(Baonghean.vn) - “Lu dúa” là tên gọi của một loại thức ăn truyền thống đặc biệt của người Mông ở Nghệ An trong những ngày đông lạnh.
Lu dúa còn gọi là bánh dẻo có xuất xứ từ Trung Quốc, được người Mông được làm từ gạo nếp trắng tinh được trồng trên nương rẫy. Gạo nếp được ngâm qua 1 đêm sau đó mới vớt ra để ráo nước. Nếp được đưa lên chõ nấu khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi nếp chín, đổ ra luống để giã. Việc giã nếp cũng rất công phu và vất vả nên phải cần đến những người đàn ông dẻo dai sức lực Vừa giã vừa quyện thì nếp mới nhanh nhuyễn. Muốn lấy nếp đã giã ra làm bánh, người phụ nữ Mông phải dùng lòng đỏ trứng gà đã luộc chín xoa lên tay. Sau khi những người đàn ông giã nhuyễn, những người phụ nữ có nhiệm vụ gói bánh bằng lá chuối đã hơ qua lửa, rửa sạch. Trong điều kiện khí hậu mát lạnh quanh năm, những chiếc bánh dẻo của người Mông có thể bảo quản được 1 tháng trời để ăn dần. Trước khi đưa bánh ra ăn, người Mông thường nướng bánh trên bếp than hồng. Đây là món được người Mông ưa chuộng nhất vì mùi vị thơm đặc trưng của bánh. Niềm vui trẻ thơ khi ăn “lu dúa” Với trẻ em dân tộc Mông, việc được ăn món lu dúa không chỉ là một món quà mà đây cũng là cách đồng bào Mông truyền lại cho các thế hệ sau những đặc trưng trong ẩm thực của dân tộc minh. Trẻ em người Mông mỗi lần đi học về thường sà ngay xuống bếp nướng bánh ăn. “Lu dúa” đã theo chân người Mông từ những ngày di cư từ Trung Quốc về Việt Nam. Cũng như bánh chưng, bánh dày của người Kinh, “lu dúa” của người Mông còn được dùng để cúng tế trời đất, tổ tiên trong những ngày Tết. Đào Thọ- Hữu Vi