(Baonghean) - Mình vào Sài Gòn chơi, lần nào cũng ấn tượng bởi sự đông đúc, nhộn nhịp và nhịp sống hiện đại của thành phố này. Nhưng cái lạ là đến với thành phố nổi tiếng vì không bao giờ lặng, không bao giờ ngơi nghỉ ấy, mình lại thích nhất đường hoa Nguyễn Huệ, nơi xe cộ không được “đặt chân” vào, tuyệt nhiên dành riêng cho người đi bộ. Một khoảng yên bình trong mắt “bão” của cuộc sống vội vã, xô bồ.
Ấy thế mà sự bình yên ấy cũng vừa mới bị một “cơn bão” quét qua, chẳng vì lý do gì chính đáng. Chuyện là có hai cô gái tuổi chưa đến đôi mươi, vì một xích mích nhỏ trên mạng xã hội mà hẹn nhau “thanh toán ân oán” ở đường hoa Nguyễn Huệ. Nếu chuyện chỉ dừng lại ở đây, cũng không có gì đặc biệt. Gì chứ tuổi trẻ mâu thuẫn, hẹn nhau “giễu võ giương oai” thì thời đi học mình chứng kiến không ít lần. Bản thân mình cũng từng là nhân vật chính bất đắc dĩ của một cuộc “đối đầu” như thế ngay trước cổng trường chứ đâu. Có điều, khán giả hồi ấy chỉ là vài ba cô cậu học sinh cùng trường, cùng lớp, “vụ” nào đình đám lắm thì thu hút sự quan tâm theo dõi của vài chục người, không hơn. Ấy thế mà hai cô gái thoáng nhìn không có gì đặc biệt này lại trở thành tâm điểm chú ý của hàng trăm (dễ đến nghìn) người, tập trung đông nghịt cả một đoạn đường Nguyễn Huệ. Nhìn qua cứ tưởng là có nhân vật nổi tiếng nào đến đây?
Rồi theo đúng kịch bản của một hiệu ứng domino, câu chuyện xuất phát từ một vấn đề nhỏ nhặt dưới hiệu ứng xã hội và truyền thông cứ thế lớn dần lên, thành một tâm điểm ồn ào trên mạng internet và trên các phương tiện truyền thông. Ấy thế nhưng khi đọc những bài báo về vụ việc, mới thấy bản chất vấn đề đơn giản đến mức ngây ngô: hai cô gái trẻ buông lời nhận xét về ngoại hình của nhau, từ đó dẫn đến mâu thuẫn và hẹn nhau trực tiếp ở bên ngoài. Khi gặp nhau, cũng chẳng xảy ra xô xát mà chỉ vì đám đông hiếu kỳ quá lớn, gây náo loạn trật tự nơi công cộng nên lực lượng an ninh phải can thiệp. Kết luận: mỗi cô, cậu đóng phạt hành chính rồi nhà ai nấy về, hết chuyện! Đọc đến đây, mình thấy hụt hẫng đến mức muốn phẫn nộ: Tại sao lại khiến cộng đồng mất thời gian quan tâm, theo dõi những câu chuyện vô bổ, vô nghĩa như thế này, trong khi có hàng tá vấn đề khác cần được quan tâm thực sự?
Nhưng khi đặt ra câu hỏi ấy rồi, giật mình nghĩ lại: Tại sao một chuyện vô bổ cũng có thể trở thành tâm điểm của dư luận? Tại ai? Vì mục đích gì? Trước tiên, phải đề cập đến đám đông tụ tập theo dõi cuộc “đối đầu” của hai nhân vật vô danh kia. Theo lời giải thích của một trong hai nhân vật chính, đó là “fan” - tức người hâm mộ của họ. Nhưng hai cô gái với ngoại hình - tài năng hết sức bình thường, không có gì nổi bật, cớ sao lại tập hợp được một lực lượng người hâm mộ đông đảo đáng ngạc nhiên như thế? Hay đó chỉ là những người thông qua sức lan toả của mạng xã hội, tìm đến bởi tính hiếu kỳ và ham vui, ham chuyện lạ, ham chốn đông người?
Thứ nữa là, những tưởng một vụ việc có vẻ rùm beng nhưng bản chất quá đơn giản như thế này sẽ chỉ được nêu lên như một điểm tin rồi nhường chỗ cho các vấn đề đáng quan tâm khác, đằng này lại được giới truyền thông tích cực khai thác, mổ xẻ, đưa tin liên tục về từng chi tiết nhỏ. Tất nhiên, còn phải bàn đến mức độ chính thống, nghiêm túc của những trang thông tin này, nhưng lượt truy cập không hề nhỏ của bạn đọc cho thấy vụ việc này đã trở thành miếng bánh béo bở cho một bộ phận truyền thông không chân chính.
Theo dõi, đọc và ngẫm nghĩ, để thấy thói quen tiếp cận và cung cấp thông tin của chúng ta đang có vấn đề. Đó là sự dễ dãi, thiếu chọn lọc về chiều sâu mà chạy theo bề nổi và hiệu ứng đám đông, khiến cho thông tin xung quanh chúng ta bị bão hoà bởi những hạt sạn không đáng có, không đáng quan tâm. Nhưng điều nguy hiểm hơn cả, thái độ dễ dãi và a dua đó của người đọc biến truyền thông thành tấm lưới với quá nhiều lỗ hổng để những hạt sạn truyền thông hay những cá nhân lợi dụng hiệu ứng truyền thông “lọt sàng xuống nia”!
Hải Triều