(Baonghean) - Ai cũng biết và cũng nói tư duy bao cấp sẽ khiến cho người ta trì trệ, thụ động dẫn tới xã hội kém phát triển. Công cuộc đổi mới diễn ra từ 30 năm trước thật ra là một cuộc cách mạng về tư duy, xóa bỏ lối suy nghĩ bao cấp, dựa dẫm, ỉ lại vào nhà nước, phát huy sự tự chủ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cá nhân và tập thể. Đất nước có bước tiến nhảy vọt là nhờ đó.
 
Thế nhưng, thứ gì quen quá, êm đềm quá, dễ dãi quá cũng đều khó từ bỏ. Vì nó, tuy làm cho con người thụ động, xã hội chậm tiến nhưng lại nhàn nhã, ít phải lao tâm, khổ trí, ít phải tổn hao sức lực vì không phải chịu áp lực cạnh tranh quá lớn. Thế nên, đâu đó, trong việc này, việc nọ cái tư duy bao cấp “thâm căn, cố đế” lại trỗi dậy dẫn đến những hành vi xin xỏ, đề nghị hỗ trợ rất mất thể diện. Như chuyện  xin người nước ngoài hỗ trợ đầu ra ở diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật 2015 vừa diễn ra vào  ngày  cuối cùng của tháng 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không ít doanh nghiệp  lẫn cơ quan xúc tiến thương mại của ta than phiền rằng việc mua công nghệ cao với giá cao từ Nhật về để ứng dụng vào sản xuất nhưng sản phẩm chất lượng cao làm ra lại… không biết bán đi đâu! Vì thế, có vị đã quên mất sự xấu hổ mà muối mặt đề nghị “Do vậy, chúng tôi rất cần các doanh nghiệp Nhật khi chuyển giao công nghệ thì cho chúng tôi biết sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ được ở Nhật hay không, doanh nghiệp nào mua sản phẩm…?!”.
 
Ô hay, xúc tiến đầu tư là làm cho người ta thấy mình có gì “đáng đồng tiền bát gạo” để họ đầu tư vào hay không, sao lại ngửa tay đi xin họ bố trí  “đầu ra”. Muốn bán được hàng thì cần phải làm ra sản phẩm tốt và cho họ thấy được ưu điểm về chất lượng, về giá cả so với sản phẩm cùng loại để thuyết phục người ta lựa chọn hàng của mình thay vì của người khác, nước khác. Thế mới là cạnh tranh sòng phẳng, mới là đối tác bình đẳng. Còn nhờ họ bán hộ, mua hộ thì khác nào nhờ họ dọn sẵn cỗ chỉ việc xơi. Để rồi, trả cho giá nào phải chấp nhận giá đó khác nào đi làm thuê. Nghe mà thấy buồn. Dĩ nhiên là người Nhật không đồng ý “hỗ trợ đầu ra” và  thẳng thừng góp ý về tư duy sản xuất là doanh nghiệp Việt đã tính toán mua công nghệ cao về thì cứ sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và chủ động tiêu thụ ở phân khúc cao cấp trong thị trường nội địa hoặc xuất sang các thị trường khác, bao gồm cả nơi có nhiều người Nhật sinh sống. Rồi người ta dẫn chứng ngay mô hình trồng rau sạch theo công nghệ Nhật tại Lâm Đồng mà chính người Nhật sang Việt Nam đầu tư. Sản phẩm  xà lách chất lượng cao của mô hình này chuyên bán trong các hệ thống siêu thị cao cấp với giá cao mà vẫn không đủ sản phẩm để bán, đang phải mở rộng đất canh tác. Sao người ta sang mình thuê đất mình, người mình làm được mà mình ở ngay trên đất mình lại cứ phải xin người ta hỗ  trợ. Lối suy nghĩ này, rõ ràng  không phải là tư duy kinh tế thị trường mà là kiểu suy nghĩ ỷ lại từ thời bao cấp. 
 
Thế mới biết, cái tư duy bao cấp vẫn còn bám dai dẳng trong lối suy nghĩ, cách hành xử của không ít người, không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đơn cử như việc Nhà nước chủ trương đến hết năm 2015 này, các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập phải lập phương án tự chủ hoạt động, nếu không sẽ bị cắt khoản thu từ ngân sách. Tuy tỏ ra  hết sức đồng tình với quyết định mới này và coi việc tự chủ tự chịu trách nhiệm là hoàn toàn đúng đắn, nhưng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN)  của không ít tỉnh, thành phố lại lèo thêm rằng, đối với các địa phương thì nhu cầu và trình độ KH&CN còn hạn chế nên nguồn thu từ các dịch vụ KH&CN không nhiều. Nếu bây giờ bắt các tổ chức ứng dụng KH&CN của các tỉnh phải tự hạch toán kinh tế thì khó có thể hoạt động tốt vì các nghiên cứu của đơn vị này hướng đến nông dân, là đối tượng có thu nhập thấp. Vì vậy, khó có thể lấy nguồn thu từ bán các thiết bị cho nông dân để trang trải kinh phí. Mặt khác, các nghiên cứu của nhà khoa học thì mới dừng lại ở sản phẩm ban đầu. Muốn thương mại hóa phải có doanh nghiệp nhân rộng sản xuất. Mà không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với thị trường dành cho nông dân. Thế nên đề nghị cần phải có lộ trình để các địa phương hoàn thiện cơ chế tự chủ - tự chịu trách nhiệm. Còn lộ trình đó dài bao lâu thì chưa được xác định rõ ràng. 
 
Nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng ngẫm cho thật kỹ và nhìn thẳng vào thực tế  bao năm nay đã xuất hiện không ít  nhà “sáng chế nông dân”, tuy không được đào tạo bài bản, không được ăn lương nhà nước, không có ai tài trợ hay “chống lưng” song với niềm đam mê và ý chí vươn lên họ vẫn tự mình tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra được những loại máy móc thay thế cho nông cụ thủ công. Làm ra được những giống cây, con có năng suất, chất lượng cao và lập doanh nghiệp, trở nên khá giả nhờ những sáng tạo đó. Họ đâu cần có lộ trình chuyển từ bao cấp sang tự chủ mà đi thẳng luôn vào thực tiễn giải quyết những vấn đề, những yêu cầu bức xúc đặt ra trong thực tế lao động sản xuất. Và họ đã thành công. Sao những người làm khoa học không soi vào đó mà học hỏi, mà làm theo. Sao có học vấn, có kiến thức bài bản mà lại cứ cố níu kéo “bầu sữa” bao cấp làm gì. Giống như chim cảnh, được người nuôi mãi trong lồng, đến khi thả ra không muốn bay về rừng mà chỉ muốn ở lại để không phải lao động cực nhọc  mà vẫn có ăn vì đã có sẵn thức ăn. Và vì cái thói ưa ăn sẵn đã thành nếp mất rồi.
 
Cứ để cái tư duy bao cấp, ỷ lại và cái thói ưa ăn sẵn đeo đẳng mãi mà không chịu gột rửa đi cho sạch sẽ thì không thể nào tiến lên mạnh giàu được. Đừng thích “ăn sẵn” nữa!
 
Bụt Sơn