May mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống dân ca, nên từ thuở niên thiếu những câu hò, điệu ví đã thấm vào chị Võ Thị Hồng Vân. Năm 16 tuổi, chị mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi hát dân ca do huyện Thanh Chương tổ chức và đã giành giải Nhất.
Chính “món quà tinh thần” đó đã giúp chị tự tin hơn với khả năng ca hát của mình, và liên tục nhiều năm sau đó tại các kỳ liên hoan, hội thi văn hóa – văn nghệ của xã, huyện, không khi nào thiếu chị. Từ năm 1996 đến nay, với vai trò cộng tác viên của Trung tâm văn hóa huyện Thanh Chương, vì vậy chị càng có điều kiện tham gia biểu diễn, giao lưu học hỏi.
Bằng niềm đam mê dân ca ví giặm, cùng những chiêm nghiệm thực tế của cuộc sống, chị còn sáng tác ra những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho rằng "Nuôi đam mê một mình thôi không đủ, bên cạnh tôi luôn có người chồng biết sẻ chia". Đó là ly nước ấm chồng pha lúc giọng bị khàn, đó là những bữa cơm chồng nấu khi đi tập hát về trễ… Chính sự quan tâm đó, cho dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, lo toan nhưng chị vẫn được sống và cháy hết mình với đam mê.
Theo đó, những cống hiến của chị đã được ghi nhận. Tại liên hoan kịch ngắn – kịch vui tỉnh Nghệ An lần thứ 5 – năm 2011 chị đã đạt giải diễn viên xuất sắc, Liên hoan Dân ca Việt Nam 2015 – khu vực Bắc miền Trung chị được trao giấy khen vì có thành tích xuất sắc, Liên hoan dân ca ví giặm xứ Nghệ chị đạt giải C. Năm 2013, chị được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, chị vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Không chỉ sống với đam mê của riêng mình, hơn 40 năm gắn bó với câu hò điệu ví, chị Vân là một trong những người tham mưu cho Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca trên địa bàn, trong đó có câu lạc bộ dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn do chị đảm nhận vai trò chủ tịch.
Từ năm 2015 đến nay, cá nhân chị thường xuyên mở những lớp dạy hát dân ca miễn phí tại nhà. Dịp hè năm nay, lớp học do chị đứng lớp có hơn 20 thành viên, với độ tuổi từ 7-20 tham gia, các em đến từ nhiều xã trên địa bàn huyện. Em Nguyễn Văn Khuyến (12 tuổi) nhà ở xã Thanh Xuân, hàng ngày phải đi về trên quãng đường hơn 25 km để đến học hát chia sẻ: “Em rất thích dân ca ví giặm. Qua những bài ca cổ giàu cảm xúc em cảm thấy tình người sâu đậm hơn, sống biết chia sẻ và cảm thông... Nhờ cô Vân dạy dỗ mà chúng em đã hát tốt hơn trước rất nhiều”.
Một buổi học dân ca tại nhà chị Vân |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Vân cho rằng “Không gì vui hơn khi được đem niềm đam mê của mình lan tỏa đến nhiều người. Vì vậy nhiều hôm dạy mệt, đau rát cả cổ họng, nhưng thấy được các em đắm chìm trong những ca hát thì mọi thứ đều tan biến".