(Baonghean.vn)- Có thể ví, lòng dân là “nhân” mà vận nước là “quả”. Lòng dân đồng thuận thì nước hưng thịnh. Lòng dân yên thì vận nước tốt. 

images1994635_5.jpgBác Hồ cùng các cháu thiếu nhi làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An nhân dịp Bác về thăm quê. Ảnh tư liệu

1.Trong kho tàng di sản Hồ Chí Minh, những chỉ dẫn về “Sửa đổi lối làm việc” vạch ra từ cách đây 70 năm vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện phong cách làm việc ở mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải thân dân, trọng dân, tất cả vì dân.

Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm được cứu nước cũng bắt đầu từ chữ dân, xuất phát từ nỗi đau của người dân mất nước và cứu nước cũng để cứu dân. Do đó, cuộc đời hoạt động cách mạng của người cũng vì lợi ích của dân, làm cho dân có ăn, có mặc, có ở, có học hành.

Chữ dân trong tiềm thức của Người luôn là biểu tượng cao đẹp nhất: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đặc biệt, đúng 3 tháng trước khi viết bản thảo đầu tiên của Di chúc (viết xong ngày 15-5-1965), Người đã “đến thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) vào ngày 15-2-1965, có lẽ cũng để tìm giá trị vĩnh hằng của chữ dân.

Theo Người, “thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”. Trọng dân là “không được phung phí nhân lực vật lực của dân”, “khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích”, “phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân”, “biết giúp đỡ nhân dân”.

Vì dân thì “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; “tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”; “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân”, “chứ không phải là làm quan cách mạng”. Do vậy, “cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân”, trong công tác và sinh hoạt, ta phải gần dân, giúp dân, thương yêu, quý trọng dân, học tập dân”.

“Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân” và “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh tư liệu

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tuy Hồ Chí Minh ít trực tiếp dùng từ ngữ nhưng thông qua diễn đạt nội dung, chúng ta thấy trọng dân, vì dân, thân dân chính là yêu cầu về phẩm cách của người cán bộ, đảng viên đặt trong mối quan hệ với dân.

Trong Sửa đổi lối làm việc, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết và nhất thiết phải lấy dân làm tiêu điểm, luôn có tư tưởng trọng dân, rèn luyện phong cách thân dân, gần gũi, yêu quý nhân dân; lời nói đến hành động phải thực sự tất cả vì dân, hóa thân vào dân để cảm nhận được nỗi khổ của dân và vui cùng niềm vui của dân. Sửa đổi lối làm việc phải luôn có suy nghĩ “vì ai mà làm, đối ai phụ trách”, phải “sát quần chúng, hợp quần chúng”, tích cực “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng” như Người đã dạy.

2. Học tập và làm theo Hồ Chí Minh về thân dân, trọng dân, gần dân qua tác phẩm Sửa đổi lối làm việc chính là để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; đó cũng là cách tốt nhất để được dân tin, dân trọng, dân quý. Muốn vậy, cần chú ý một số điểm sau đây:

Một là, lấy lợi ích của dân để định ra “cách làm việc và cách tổ chức”của cán bộ, đảng viên.

Người chỉ rõ: Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức.

Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng. Nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy.

1. Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh chung với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ (1/1/1962). Ảnh tư liệu

Coi trọng nhân dân thì phải chống thói ba hoa, hách dịch, bỏ lý thuyết suông, không được khinh dân, xem nhẹ vai trò của dân; tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng, học hỏi ở dân; biết nhục trước dân về những việc mình làm sai trái.

Có trọng dân mới thấy được sức mạnh ở dân, tích cực đoàn kết với dân; “cần hợp tác với người ngoài Đảng, không được khinh rẻ, chê bai họ, phải liên lạc mật thiết với dân chúng”. “Cơ quan mào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa”, “bệnh thì thầm thì thào cũng hết”.

Cán bộ, đảng viên cố gắng hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Lấy lợi ích của dân để định ra “cách làm việc và cách tổ chức”của cán bộ, đảng viên, cần phải nhớ rằng:

(1) Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng; (2) Tin vào dân chúng; (3) Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ"; (4) Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng; (5) Phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay, việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên".

Hai là, làm việc phải hướng về dân, liên hệ, gắn bó với dân, lắng nghe ý kiến của dân

Người chỉ rõ: “xa rời dân chúng là cô độc” mà “cô độc thì thất bại”. Nếu “quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.

Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị trù là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác”; “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung đoàn trưởng Thái Dũng, Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã đang nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu

Muốn gần dân, cán bộ, đảng viên phải sửa đổi bệnh khai hội, bỏ thói “cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như ông quan”; tránh lối nói theo công thức, nói dài, nói không hợp thực tế, “nói gì đâu đâu” làm người ngáp, kẻ ngủ gục.

Trong công việc, phải chịu khó hỏi ý kiến quần chúng để biết họ cần gì, muốn nghe gì, ham chuộng gì, vì nếu lấy ý chủ quan của cán bộ áp đặt theo mệnh lệnh sẽ phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, có thái độ xa quần chúng.

Vì không trọng dân, thân dân nên có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, chỉ bắt buộc làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn.

Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói, phải khéo gom góp ý kiến lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành.

Ba là, trong làm việc phải nhận thức rõ “vì ai mà làm, đối ai phụ trách” để tránh làm hại đến dân.

Bất kỳ làm việc gì, cán bộ, đảng viên trước hết phải trả lời đúng câu hỏi vì ai mà làm, đối ai phụ trách. Nhưng trong thực tế, nhiều cán bộ nhầm là làm việc cho Chính phủ, cho Đảng, nên “đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng làm một phía, quần hcungs ra một phía”.

Kỳ thực, “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”. “Phải học cách nói của quần chúng”, “dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu” “làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”.

Bốn là, trước khi triển khai công việc phải truyên truyền, giải thích, giáo dục để dân hiểu rõ việc đang làm.

Những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ…, cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu nên dân oán.

Theo Người, chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.

Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được.

Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ phải đem các ý kiến khác nhau để so sánh, phân tích kỹ, xem rõ cái nào đúng, cái nào sai, rồi chọn lấy ý kiến đúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tháng 12/1961. Ảnh tư liệu

Năm là, cán bộ, đảng viên không che dấu khuyết điểm và phải quyết tâm sửa chữa khuyết điểm; lấy thân dân, trọng dân, vì dân làm một tiêu chí cất nhắc cán bộ

Cán bộ, đảng viên không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ bị phê bình, phải nhận khuyết điểm để tự sửa chữa và quyết tâm sửa chữa để tiến bộ. Bởi vì, “đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu.

Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.

Trong rèn luyện phẩm cách cán bộ, đảng viên, nên để cho dân chúng phê bình. Coi trọng nhân dân cũng để chống thói hư, tất xấu của cán bộ, đảng viên, biết dùng người tài năng có lợi cho nước, cho dân; “phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”, “không nển nang, không thêm bớt”, “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc”, “phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”.

“Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”. Đặc biệt, Người yêu cầu, “khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”.

Có thể nói, lòng dân là “nhân” mà vận nước là “quả”. Lòng dân đồng thuận thì nước hưng thịnh. Lòng dân yên thì vận nước tốt.Ngược lại, lòng dân trăm mối thì nước suy vong.

TS. Lê Đức Hoàng,

Ban Tuyên giáo Trung ương

TIN LIÊN QUAN