Từ lâu, việc nuôi lợn vốn đã phổ biến trong cộng đồng người Mông Nghệ An. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là, chúng ta rất hiếm khi nhận thấy họ bán lợn chỉ vì nhu cầu chi tiêu trong gia đình. Bởi vậy, có những con lợn có khi được nuôi nhiều năm trời chỉ để chờ dịp…có lễ.
Cách nuôi lợn của người Mông cũng có phần khác so với các dân tộc khác. Vốn là một cộng đồng sinh sống theo dòng họ, nên nhà nào nuôi lợn cũng đều phải làm chuồng chắc chắn để không làm ảnh hưởng đến nhà khác. Những hộ ở tách biệt nếu muốn thả rông lợn thì thường làm gông đeo vào cổ lợn. Như vậy sẽ hạn chế được việc lợn phá phách hoa màu xung quanh.
Mọi lễ lạt dù nhỏ hay to thì đối với người Mông, thịt lợn vẫn là thực phẩm không thể thiếu. “Loại lợn này phải do chính tay người Mông nuôi. Gia đình nào có điều kiện thì làm con thật to, nghèo quá cũng phải chuẩn bị được một con nhỏ” - ông Lầu Vả Chống ở xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) cho hay.
Theo các già làng người Mông, nếu trong các lễ cúng không có lợn chắc chắn thần linh, tổ tiên sẽ không chấp nhận. Và cứ sau mỗi lần làm lễ, các thầy mo đều được gia chủ chia cho một phần thịt của con lợn ấy gọi là đền đáp công ơn.
Một điều đặc biệt nữa là, cộng đồng này cũng quan niệm rằng, nội tạng lợn cũng là thứ để trừ tà ma trong gia đình. Bởi vậy, khi cúng bái xong, họ thường lấy một phần lòng chôn ngay trước cửa chính để điềm xấu không vào nhà.
Hẳn nhiều người đã được thưởng thức thịt lợn của người Mông. Có những con lợn nhìn bề ngoài rất béo, khi làm thịt xong mỡ bám một lớp dày. Thế nhưng lúc nấu lên ăn vào lại rất ngọt, dai và thơm, không có vị ngầy. Những thớ thịt ăn không hết, họ để dành lại và treo lên gác bếp đốt lửa hong khô chờ đến khi có khách quý thì mang ra tiếp đãi.
Như vậy có thể thấy rằng, lợn là vật nuôi không chỉ phục vụ đời sống mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh trong đời sống người Mông Nghệ An. Tuy nhiên, việc chăn nuôi với mục đích dùng vào cúng bái mà chưa chú ý đến lợi ích kinh tế cũng cần phải được khắc phục.