Đây là khẳng định của Trưởng bản Và Bá Thái khi chúng tôi “mượn” anh cuốn “nhật ký” của bản Huồi Mới để xem những ghi chép, các sự kiện diễn ra trong năm ở bản người Mông nằm heo hút trên dãy Phà Ca Tún thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong này.
“Ngày 27-8-2018, có đơn kiến nghị 2 hộ di cư Lào về”.
“Ngày 6-9-2018, có đoàn cán bộ tư phát (pháp) huyện, xã và công an xã, đồn biên phòng lên xác minh nhưng không ai chịu nhận tờ đơn kiện”.
“Ngày 4-10-2018: Số hộ gia đình có vườn đào báo với cấp trên là 31 hộ. Bổ sung thêm 5 hộ . Tổng số hộ có vườn đào là 36 hộ”.
“Thầy Xồng Pà Dê đến báo, có người đóng dấu vách, cắt tay bò của ông thả rông trong địa bàn. Bò tức màu đen, đóng dấu vách khoảng 2-3 ngày. Trong thời gian tháng 8, 9 ông mất 3 con lợn do kẻ xấu trộm cắp giết ăn. Một con ông đi tìm thấy dấu có người giết”.
Hầu như những gì xảy ra trên địa bàn bản, kể cả chi tiết nhỏ nhất đều được Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huồi Mới Và Bá Thái ghi chép một cách đầy đủ. Sự tỉ mỉ khiến những người không thuộc về cộng đồng này thoạt tiên thấy ngạc nhiên thích thú, nhưng sau đó lại thấy nó rất gần gũi.
Bản Huồi Mới 1 nằm trên dãy Phà Ca Tún – nơi có đỉnh núi Pù Hoạt cao nhất khu vực Tây Bắc Nghệ An.
Cụm bản Huồi Mới gồm 2 bản Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2 là những cộng đồng người Mông nằm cách nhau khoảng 30 phút đi bộ. Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Nếu như bản Huồi Mới 2 chủ yếu là nơi hội tụ của những gia đình hồi cư từ Lào về thì Huồi Mới 1 đã định cư tại đây lâu đời. Có lẽ vì thế mà Huồi Mới 1 nom vững chãi, đẹp đẽ và sung túc hơn.
Huồi Mới 1 là bản dân cư người Mông đẹp nhất miền Tây Nghệ An – nhiều người có chung nhận định như thế khi lần đầu tiên đặt chân đến “nóc nhà” vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Huồi Mới có hơn 80 nóc nhà ngói lợp sa mu dựng trên dốc núi. Dân số bản có gần 500 người. Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huồi Mới Và Bá Thái cho biết, bản vẫn còn nghèo với tỷ lệ 50%. “Nhưng đã khác trước lắm rồi. Không ai bị đói cả, nhiều khả năng năm 2019 này bản số hộ nghèo giảm xuống 42%”.
Nằm trên địa hình cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Huồi Mới 1 dựa lưng vào đường biên giới giáp Lào. Từ trung tâm xã Tri Lễ đã có thể đi xe máy lên đến bản. Huồi Mới 1 không có rẫy, mỗi hộ chỉ có một thẻo ruộng nước nằm dưới chân núi, để đến được đó cũng mất gần nửa ngày trời.
Nhưng với người Mông điều đó chẳng quan trọng lắm, miễn là có đất để gieo hạt lúa, tra hạt ngô. Dân bản không có đất sản xuất, nhưng rừng thì có cả ngàn ha. Đó là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thuộc sự quản lý, bảo vệ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Bảo vệ nghiêm ngặt rừng quốc gia là một trong những mục tiêu trọng tâm của tất cả hộ dân trong bản.
Huồi Mới 1 có hơn hai chục gia đình nhận khoán bảo vệ rừng, nhưng số tiền được hưởng không thuộc quyền sở hữu cá nhân mà chia cho tất cả các hộ và dành một phần sung vào quỹ bản để duy trì các hoạt động cộng đồng.
Về công tác xóa đói giảm nghèo, Chi bộ và Ban quản lý bản “nghe theo” cán bộ huyện, xã và biên phòng triển khai nhiều phương cách. Đó là phát huy thế mạnh của đồng bào, phát triển, tăng số lượng đàn bò, lợn đen và gà đen. Nhờ vậy, từ 100 con bò, đến nay bản có hơn 300 con.
Trong bản có những hộ khoanh rừng nuôi 30-40 con bò. Lợn đen mỗi hộ nuôi 5-7 con, gà thì nhà ít 20 con, nhiều 50 con. Hết lứa này nuôi lứa khác. Gia súc, gia cầm được bà con bán nhiều vào dịp cuối năm.
Thu nhập của người dân còn đến từ nhiều loại cây trồng được xem là đặc sản của người Mông như: dưa nại, khoai sọ, bí, đào. Theo tính toán của Trưởng bản Và Bá Thái, ở Huồi Mới 1 có 2 ha khoai sọ, mỗi mùa một gia đình thu về gần 6 triệu đồng; đến mùa bí, dưa nại mỗi hộ cũng có thêm nguồn thu 2 triệu đồng.
Đặc biệt với cây đào, bình quân mỗi gia đình thu từ 10-15 triệu đồng từ tiền bán cành dịp Tết chưa kể bán đào quả. Đây chính là những phương kế để người Huồi Mới 1 thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu.
Tại Huồi Mới 1 có một dãy lớp học gồm 3 phòng, là nơi học tập của các em học sinh tiểu học. Đây là một trong những “phân hiệu” của Trường Tiểu học Tri Lễ, điểm bản Huồi Mới 1.
100% học sinh đến tuổi đều được đến trường – đây là khẳng định của Trưởng bản Và Bá Thái. “Cái chữ, cái nghĩa, cái hiểu biết của bản cũng nhờ cả vào thầy cô và trường học” – Bá Thái nói thêm.
Và điều cảm nhận rõ hơn về lũ trẻ bản Huồi Mới là chúng rất ngoan và thân thiện. Không cần biết bạn là ai, nếu đến bản những đứa trẻ đều khoanh tay trước ngực: “Cháu chào thầy, cháu chào cô”.
Trở lại với cuốn nhật ký của Huồi Mới 1, Trưởng bản Và Bá Thái đã cẩn trọng ghi chép, liệt kê rất nhiều nội dung, sự việc diễn ra ở bản. Đây có thể coi là tài liệu rất quan trọng mà khi cần tìm kiếm thông tin về hộ dân nào, ngày tháng nào, sự việc nào xảy ra trên địa bàn đều được ghi chép đầy đủ. Những nét chữ chân phương như kể lại câu chuyện của cộng đồng, từ những việc nhỏ như mất gà, vợ chồng cãi nhau đến việc hệ trọng như: có người lạ đến bản, Ngày hội Đại đoàn kết hay bản tổ chức Tết Độc lập 2/9.
Đặc biệt, trong cuốn sổ còn kẻ ngay hàng, thẳng lối liệt kê chi tiết 83 hộ dân tương ứng 12 tháng trong năm. Mỗi tháng bản tổ chức một cuộc họp dân. Hộ nào không cử người tham gia họp sẽ bị đánh dấu và sẽ bị phạt từ 5.000 – 10.000 đồng cho một lần vắng họp.
Gia đình nào mà vợ chồng cãi cọ, to tiếng khiến bản “mất công” hòa giải sẽ bị “phạt vạ” bằng một mâm cơm với đầy đủ các thành phần “ban bệ” của ban quản lý bản. Các hành vi gây ảnh hưởng đến cộng đồng đều bị khiển trách, phê bình và quy phạt bằng tiền. Số tiền phạt được xung vào quỹ bản nhằm hỗ trợ hoạt động khuyến học và các hoạt động mang tính phúc lợi cộng đồng.
“Mặc dù bản chưa có hương ước, nhưng tất cả các nội quy trước khi thực hành đều được đưa ra bàn bạc tại chi bộ với sự đóng góp ý kiến của 14 đảng viên, sau đó nêu ra trong các cuộc họp bản để bà con thảo luận thống nhất. Mục đích vì bản làng yên vui, cuộc sống sung túc hơn thôi” – Phó Bí thư Chi bộ Và Bá Thái cười rạng rỡ.