Mặc dù chăn nuôi lợn, gia cầm - 2 mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp khó khăn, phải giảm đàn song các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn vẫn đang cấp tập nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vì giá ngô, đậu tương của các cường quốc nông nghiệp như Mỹ, Argentina, Ấn Độ… đang ở mức hấp dẫn.

images1922847_lo_n_ga_e_am__sao_va_n_phai_chi_33_59396ea99f4e3.jpgNguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc chủ yếu nhập ngoại. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT), ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 5.2017 của nước ta ước đạt 344 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2017 lên 1,53 tỷ USD (tương đương hơn 33.000 tỷ đồng), tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2017 là Argentina (chiếm 44,7% thị phần), tiếp đến là Mỹ (13%), Ấn Độ (chiếm 5% thị phần) và Trung Quốc (4,2%). Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là Italia (tăng gần 9 lần), Ấn Độ (tăng hơn 2 lần).

Trong đó, khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 5.2017 ước đạt 809.000 tấn với giá trị đạt 161 triệu, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 5 tháng đầu năm 2017 đạt 3,05 triệu tấn và 625 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng và tăng 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Argentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017, chiếm lần lượt là 28,6% và 20,3% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô từ thị trường Thái Lan tăng hơn 48 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ tăng có hơn 4,5 lần.

Theo một số chuyên gia, dù Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang ngô để phục vụ chăn nuôi, nhưng thực tế không hiệu quả. Do đặc điểm đất đai manh mún, hạ tầng chia cắt mà việc trồng ngô ở nước ta khó áp dụng cơ giới hóa, khiến năng suất thấp, giá thành cao hơn nhiều so với các cường quốc về nông nghiệp như Mỹ, Ấn Độ... Đơn cử như giá ngô nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam chỉ khoảng 4.700 đồng/kg, luôn thấp hơn giá ngô trồng trong nước, độ ẩm thấp; giá bã đậu tương cũng chưa tới 10.000 đồng/kg.

Trước băn khoăn cho rằng Việt Nam là nước nông nghiệp mà phải nhập lượng lớn nguyên liệu như ngô, đậu tương, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng nếu cứ nghĩ như trên là không hiểu kỹ về nông nghiệp Việt Nam. Thực tế đất để canh tác nông nghiệp ở nước ta không nhiều; là nước nông nghiệp lâu đời nhưng trình độ sản xuất của nông dân nhỏ lẻ, lạc hậu. Trong khi đó các quốc gia khác đã công nghiệp hóa nông nghiệp nên họ có thể cho ra sản lượng ngô, đậu tương rất lớn, giá thành thấp. Ngô, đậu tương trồng ở Việt Nam gần như không thể cạnh tranh về giá.

Theo ước tính, hiện nước ta thường xuyên phải nhập khẩu 50% trên tổng sản lượng ngô phục vụ ngành chăn nuôi, khô dầu gần như 100% và các nguyên liệu phụ gia như premix, vitamin, axit amin, các chất phụ gia màu, mùi sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi chúng ta phải nhập gần như 100%. Thị trường nhập khẩu các mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc, các nước châu Âu và Nhật Bản.  

“Vì vậy, thay vì nghĩ sản xuất nhiều ngô, đậu tương để phục vụ ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp Việt Nam nên tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế hơn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, rồi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi” - ông Lịch nói.

Cũng theo Bộ NNPTNT, hiện Việt Nam có 207 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 58 doanh nghiệp FDI và 149 doanh nghiệp nội với thị phần tương ứng là 60%/40%. Trong số đó, 5 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina, Lái Thiêu) chiếm 23% thị phần; 5 doanh nghiệp FDI lớn nhất (CP, Deheus, ANT, Jafa comfeed, Cargill) chiếm 37% thị phần. Một số doanh nghiệp FDI để tối đa lợi nhuận, họ đã không ưu tiên nguồn nguyên liệu ở Việt Nam mà nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn từ các nước khác. 

Theo Minh Huệ/danviet

TIN LIÊN QUAN