(Baonghean) - Rừng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với cuộc sống con người, từ xa xưa, ông cha ta đã nhấn mạnh lợi thế “rừng vàng, biển bạc”. Hiện nay, ngoài việc bảo tồn thì việc phát triển, trồng rừng nguyên liệu ở Nghệ An khẳng định hiệu quả thực tế đem lại lợi ích kinh tế to lớn, vừa giữ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sống.
Nằm ở trung tâm Bắc Trung bộ, Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Theo kết quả kiểm kê rừng tỉnh Nghệ An (tháng 4/2016), toàn tỉnh có 942.508 ha rừng, trong đó, rừng trồng nguyên liệu gỗ là 145.526 ha; đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là 166.745 ha. Đây là tiềm năng lớn để phát triển rừng nguyên liệu gỗ phục vụ nhu cầu chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh.
Trồng rừng là ngành kinh tế phát huy được những lợi thế về địa hình ở Nghệ An. Đặc biệt trên địa bàn có một số nhà máy chế biến gỗ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nghề rừng. Ảnh N.S Con Cuông là một trong những huyện có diện tích rừng khá lớn với gần 154.600 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 88,91% tổng diện tích đất tự nhiên. Ông Hồ Đăng Tài - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Con Cuông có 13 xã, thị trấn, trong đó 10 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ 135 của Chính phủ. Tất cả các xã, thị đều trồng rừng và thu nhập từ rừng là chính”.
Chúng tôi về xã Mậu Đức, huyện Con Cuông ở tả ngạn sông Lam với trên 90% dân số là người dân tộc Thái. Trước đây cuộc sống người dân Mậu Đức chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Tận dụng lợi thế đất rừng ở địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết số 01-NQ/ĐU “Đưa cây keo là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Mậu Đức trong những năm tới”. Việc trồng rừng nguyên liệu đã được bàn bạc và đưa vào trong các cuộc sinh hoạt chi bộ tại các thôn bản, lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt và gương mẫu đi đầu. Năm 2003, toàn xã mới trồng 2 ha keo, năm 2012 có 650 ha thì đến năm 2016 diện tích trồng rừng nguyên liệu đã lên tới 1.800 ha.
Ông Lô Văn Thắng ở bản Nà Đười (xã Mậu Đức) khẳng định: “Chính nhờ trồng keo mà cuộc sống gia đình tôi đã xóa được đói, giảm được nghèo”. Theo ông Hà Mạnh Linh - Chủ tịch HĐND xã Mậu Đức thì: Trồng rừng giờ đã trở thành một nghề thu hút người dân trong xã. Bà con các dân tộc Mậu Đức có thể sống dựa vào rừng, làm giàu cũng nhờ rừng. Hiện nay, Mậu Đức có trên 80% số hộ trong xã tham gia trồng rừng nguyên liệu.
Khai thác rừng trồng ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Nguyên Sơn Cũng như Mậu Đức, nhiều nơi ở Nghệ An có vùng rừng nguyên liệu, cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc. Như ở huyện Quỳ Châu, năm 2010 diện tích trồng mới tập trung và trồng sau khai thác hơn 5.325 ha, giai đoạn 2011 - 2016 đạt gần 7.000 ha, gồm các loại cây chủ lực như keo lai, tre, mét và các cây bản địa có giá trị kinh tế cao tập trung nhiều nhất ở các xã Châu Bình, Châu Hội, Châu Hạnh và Châu Bính. Bên cạnh trồng rừng thì việc khoanh nuôi bảo vệ được chú trọng đẩy mạnh, nhờ đó đã nâng độ che phủ rừng hiện nay đạt 78%.
Theo tính toán của các hộ trồng rừng, với giá bán nguyên liệu như hiện nay thì mỗi ha rừng trồng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha; trừ chi phí giống, phân bón, công lao động và lãi suất vay vốn ngân hàng khoảng 20 triệu đồng, còn lãi 40 triệu đồng. Chưa kể thu nhập từ các loại cây trồng xen khi rừng chưa khép tán như rễ hương, sắn, dứa... Như vậy, bình quân mỗi năm lãi hơn 5 triệu đồng/ha mà chỉ mất công trồng và chăm sóc trong 3 năm đầu; những năm còn lại chỉ phải bảo vệ, có thể nói đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với các hộ có đất rừng và khẳng định hiệu quả từ việc trồng rừng.
Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương, những năm qua, ngành Lâm nghiệp Nghệ An có bước chuyển mạnh mẽ từ khai thác rừng tự nhiên sang khoanh nuôi bảo vệ, trồng mới, làm giàu rừng và phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng phát triển bền vững, góp phần đưa Nghệ An trở thành một trong những địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt 57,2% vào năm 2015. Từ năm 2011 đến nay, diện tích trồng mới rừng luôn đạt trên 15.000 ha/năm.
Tại Lễ khánh thành Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An mới đây, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu nhấn mạnh: “Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An đi vào hoạt động sẽ tạo ra những sản phẩm gỗ Việt Nam đi ra thế giới, góp phần quan trọng cho sự phát triển của Nghệ An; giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ, thương mại, kinh tế xã hội miền Tây của tỉnh Nghệ An”. |
Việc trồng rừng phát triển đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu từ chế biến gỗ toàn tỉnh tăng mạnh: Năm 2010 mới chỉ 30 triệu USD, năm 2015 đã xuất được 115,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Năm 2016 xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD từ nguyên liệu rừng trồng.
Nói về tiềm năng kinh tế rừng ở Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Rừng Nghệ An có nhiều ưu điểm mà các nhà đầu tư cần đó là: Quỹ đất rừng sản xuất lớn để trồng rừng nguyên liệu gỗ cung cấp ổn định cho công nghiệp chế biến. Kết quả xuất khẩu của Nghệ An những năm gần đây cho thấy tỷ trọng của lâm nghiệp chiếm phần lớn, có tiềm năng lớn để trở thành mũi nhọn xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Do đó, tỉnh cần tích cực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, để trở thành trung tâm nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu lớn nhất nước.
Sản xuất tại Nhà máy gỗ ván MDF (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V Muốn vậy, phải ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thu hút đầu tư nhằm phát triển rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào rừng trồng nguyên liệu và có điều kiện hoàn thành chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council - hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác) nhằm nâng cao giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chế biến khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần lựa chọn, điều chỉnh việc cấp phép cho các nhà đầu tư theo lộ trình thích hợp, để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến sâu (gỗ mỹ nghệ, gỗ ghép thanh, MDF...) theo hướng gia tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm.
Trên thực tế, phát triển kinh tế rừng còn tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng vạn hộ dân từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác lâm sản và các dịch vụ khác, đời sống của người làm rừng ngày càng được cải thiện, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu. Thông qua việc đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu, giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao nhận thức và trình độ dân trí, đổi mới tư duy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần làm thay đổi toàn diện về bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương.
Trồng rừng nguyên liệu tại vùng miền Tây huyện Yên Thành. Ảnh: H.N
Đặc biệt, việc phát triển rừng trồng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến là giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng miền Tây rộng lớn - 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh, thực hiện có hiệu quả Quyết định 2355/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An đến năm 2020, Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, việc trồng rừng, phát triển kinh tế rừng không những đáp ứng được yêu cầu việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể: Năm 2015 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014, trong đó sản phẩm gỗ đạt 4,79 tỷ USD (+7,8%); riêng 10 tháng đầu năm 2016 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,59 tỷ USD, trong đó sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục mở rộng trong những năm tới đang đặt ra bài toán cung ứng lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước. Hiện nay, gỗ rừng trồng trong nước đã trở thành một nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 30 - 40% tổng lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là gỗ cao su và gỗ keo, tràm. Đồng thời, nhiều quốc gia trong khu vực đã ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô như Việt Nam để giữ nguồn gỗ phục vụ cho chế biến trong nước. Cụ thể là: - Myanmar ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn có hiệu lực từ ngày 1/4/2014 đã gây thiếu hụt nguồn cung cấp và gia tăng áp lực cạnh tranh nguyên liệu gỗ cứng cho các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. - Ngày 13/5/2016, Thủ tướng Lào đã ban hành Nghị định số 15/PM về việc tăng cường công tác quản lý và giám sát việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh gỗ. Trong đó đình chỉ việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ kích thước lớn, gỗ xẻ… từ rừng tự nhiên trong mọi trường hợp. - Trung Quốc cấm khai thác rừng tự nhiên bắt đầu từ tháng 4/2015 ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và Nội Mông, và tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác gỗ thương mại rừng tự nhiên trên toàn đại lục vào năm 2017. Các chính sách này sẽ tiếp tục tạo ra tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực, và gia tăng áp lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu đầu vào tại các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển. Đây cũng được xem là một cơ hội cho Nghệ An phát triển rừng nguyên liệu và chế biến gỗ xuất khẩu. |
(Còn nữa)
Nhóm PV