(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nhiệt độ ở Nghệ An xuống thấp, đặc biệt là ở các vùng miền cao. Việc phòng chống rét cho đàn vật nuôi trở thành mối quan tâm cấp thiết của người dân để hạn chế thiệt hại nghiêm trọng.
Còn nhớ, trận rét đậm, rét hại đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho cho bà con nông dân Nghệ An, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng cao. Gần như suốt cả mùa đông năm 2015 thời tiết khá ấm áp, dễ chịu, có người còn cho rằng mùa đông không còn khắc nghiệt như trước. Bỗng dưng, những ngày cuối tháng 1/2016, nhiệt độ xuống thấp, phổ biến ở mức 5-7 độ C, có nơi xuống dưới 0 độ C.
Ở vùng cao, không ít hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò theo hình thức thả rông đã không kịp lên rừng gom và đưa về để che chắn và đốt lửa sưởi ấm. Thời tiết băng giá khiến nguồn thức ăn tự nhiên bị đóng băng, các loài gia súc, gia cầm vừa phải chịu rét, vừa phải chịu đói.
Theo thống kê, đợt rét đậm, rét hại năm ngoái khiến 815 con trâu - bò, 486 con dê, 310 con lợn và gần 40.000 con gà bị chết. Các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Qùy Châu bị thiệt hại nặng nề nhất.
Đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016 và đợt rét đang diễn ra những ngày qua đã khẳng định thời tiết đang diễn biến phức tạp. Bà con nông dân được khuyến cáo không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời chống rét, chống đói cho gia súc, gia cầm khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Về lâu dài, để bảo toàn số lượng đàn gia súc, gia cầm, bà con các huyện miền núi, vùng cao cần phát triển hình thức chăn nuôi tập trung thay vì hình thức thả rông. Nghĩa là quy hoạch, xây dựng hệ thống chuồng trại, phát triển nguồn thức ăn phong phú, đáp ứng nhu cầu hàng ngày và có nguồn dự trữ khi cần thiết. Chẳng hạn vừa trồng cỏ sữa, vừa thu gom cây ngô, rơm rạ phơi khô để dự trữ cho những ngày thời tiết khắc nghiệt.
Công Kiên