(Baonghean.vn) - Con số hơn 500 học sinh bỏ học để lấy chồng, đi biển mà Báo Nghệ An phản ánh vừa qua là một thực trạng đáng báo động. Tìm hiểu một số trường hợp học sinh bỏ học ở vùng cao để lấy chồng, lấy vợ sớm hoặc theo gia đình di cư sang Lào đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở những vùng thuộc cư trú của người Mông, chúng tôi chứng kiến không ít những ngậm ngùi...
Nậm Càn (Kỳ Sơn) có 25 km đường biên giới giáp nước bạn Lào nên tình trạng di cư sang Lào diễn ra phổ biến. Theo số liệu Ông Và Bá Dênh, Trưởng công an xã Nậm Càn cung cấp cho chúng tôi, chỉ tính trong năm 2014, toàn xã đã có 21 hộ với 128 nhân khẩu di cư sang Lào, đặc biệt là ở bản Nậm Khiên. Trong 21 hộ đi Lào thì có tới 17 hộ di cư trái phép, còn 4 hộ đi theo đường hộ chiếu.
Gặp Lầu Bá Xồng (bản Nậm Khiên), 1 học sinh vừa bỏ học theo gia đình di cư sang Lào nay trở về chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi vất vả mà những người lớn đã mang lại cho em. Cách đây 1 năm, em theo gia đình sang Lào, cứ ngỡ rằng, cuộc sống “phù hoa” bên kia là 1 thiên đường nhưng chẳng phải như vậy.
Sang đó, chương trình học khác, tiếng khác, chữ viết khác nên em phải bắt đầu lại từ đầu. Không theo kịp nên em đành bỏ học lần thứ 2. Vả lại, sang đó học cũng chỉ là học “chui” vì gia đình di cư sang bằng cách bất hợp pháp. Em đành trở về quê cũ nương nhờ bà con thôn bản và bỏ học luôn từ đó.
Tại bản Nậm Khiên, chúng tôi gặp em Lầu Y Mai đang học lớp 8 nhưng phải bỏ học giữa chừng. Nhìn Y Mai chỉ mới 14 tuổi thôi nhưng đã ra dáng vẻ người lớn lắm. Khi được chúng tôi hỏi vì sao em bỏ học, Y Mai trả lời 1 cách tỉnh bơ: “Không muốn học nữa thì bỏ thôi”. Bố mẹ Y Mai ngày đêm miệt mài trên rẫy nên cũng không quan tâm đến việc em có đi học hay không, chỉ thấy hàng ngày em được nghỉ học ở nhà giúp đỡ gia đình là mừng lắm rồi. Khi nghe nói em đã bỏ học thì bố mẹ em mới kết luận 1 câu gọn lỏn rằng: “Nó không thích học nữa thì thôi chứ”.
Chúng tôi tiếp tục vào bản Thăm Hín theo lời chỉ dẫn của người dân, nơi có em Và Bá Trừ vừa mới tổ chức xong đám cưới. Gặp lúc vợ chồng Trừ đang chuẩn bị dụng cụ lên rẫy. Trước tết, Trừ đang là học sinh lớp 10 của trường THPT huyện Kỳ Sơn, tương lai đang rộng mở đối với em. Thế nhưng sau những lần gặp gỡ Xồng Y Nhìa ở bản Na Cáng (xã Na Ngoi), tình cảm bồng bột của tuổi học trò đã chiến thắng những ước mơ trên con đường học tập.
Hai em nên vợ nên chồng lúc mới hơn 15 tuổi trong sự lo lắng của hai bên gia đình và sự thắc mắc của bạn bè đồng trang lứa. Có lẽ bây giờ, mới cưới nhau xong, đang ở với bố mẹ nên đôi vợ chồng trẻ này chưa thể nào hiểu được những lo toan trước mắt cho cuộc sống gia đình.
Tôi hỏi Trừ: “Sao em không đi học tiếp mà lại bỏ về nhà lấy vợ khi tuổi đang trẻ như thế này, mọi người không nói gì à?” Em trả lời tôi một cách hồn nhiên rằng: “Đằng nào cũng lấy mà anh, nếu mình không bắt nó về làm vợ để đứa khác nó bắt đi mất. Ai cũng bảo em không nên lấy vợ lúc này nhưng có sao đâu, em lấy vợ rồi vẫn bình thường đấy thôi”.
Chỉ mới đây thôi, em Và Y Mái đang học lớp 8 trường THCS DTBT Nậm Càn bị mấy thanh niên ngoài trêu chọc lừa đi chơi tại Thị trấn Hòa Bình. Về trường, phần vì tự ái, phần vì xấu hổ với bạn bè nên em bỏ học giữa chừng. Thầy cô, bạn bè thuyết phục thế nào em cũng không chịu đến lớp nữa.
Chắc con số thống kê của các cơ quan chức năng cũng không thể nào thống kê hết được tình trạng bỏ học của học sinh vùng cao vì những lí do như thế này.
Vấn đề đặt ra lúc này là công tác tuyên truyền và thực hiện chế độ đãi ngộ đối với học sinh vùng cao để các em thực sự thấy rằng, việc đến trường đến lớp ở lứa tuổi của mình là điều quan trọng nhất.
Đào Thọ