(Baonghean.vn) – Trong “bức tranh ẩm thực” của người dân miền Tây Nghệ An, măng rừng là món ăn cứu đói nhưng cũng là đặc sản không nơi nào có được. Dù đắng, dù ngọt, măng rừng đem đến cho người thưởng thức một hương vị rất mộc, rất thật, khiến người ta nhớ mãi không quên.
Trong năm có 2 thời điểm người dân vào rừng lấy măng là mùa Xuân và mùa Thu. Để hái măng người dân bản Liên Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) phải vượt suối vào rừng từ sáng sớm và về nhà lúc chập choạng tối. Măng nứa sau khi hái về được bóc lớp vỏ áo, sau đó chế biến bằng cách luộc chín. Ảnh: Bé giúp mẹ làm măng ở bản Tân Hương - Tam Quang - Tương Dương. Măng sau khi luộc được dân bản mang phơi trên những tảng đá lớn. Hoặc cũng có thể phơi măng trên những giàn thấp. Ảnh: Cụ bà người Thái ở bản Tùng Hương - Tam Quang - Tương Dương lật phơi măng. Bà và cháu cùng phơi măng (Tam Quang - Tương Dương) Ngoài măng khô, măng rừng tươi cũng là món dễ bắt gặp khi lên vùng cao. Ảnh: Những người phụ nữ bán măng tươi bên đường ở Kim Sơn, Quế Phong. Măng rừng Quế Phong tập trung chủ yếu ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải và Thông Thụ. Có 2 loại: măng đắng và măng ngọt. Ngoài ra, măng Tri Lễ thường gốc nhỏ thân dài, măng Nậm Giải gốc to thân ngắn. Măng rừng không ngâm tẩm hoá chất nhuộm màu nên cảm quan bề ngoài không hấp dẫn, tuy nhiên đem lại cho người tiêu dùng sự yên tâm khi thưởng thức một món ăn an toàn. Chị Quang Thị Luân (bản Dốn, xã Mường Nooc) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này chúng tôi lại vào rừng hái măng để đưa ra huyện bán. Tuy vất vả, nhưng cũng có thu nhập từ 200 – 300 ngàn đồng mỗi ngày”. Vợ chồng chị Hà Thị Hoa (xã Nậm Giải) thường nhập măng của dân bản rồi chở ra thị trấn Kim Sơn bán. Chị Hoa cho hay, mỗi ngày có thể bán được 40 - 50kg măng. Nhiều người còn tìm mua măng rừng để đưa đi Vinh, Hà Nội. Vương Vân - Hồ Phương