(Baonghean) - Được ví von là “trái tim” của Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam, Nghi Lộc đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây thực sự là lối ra để địa phương này cất cánh nhanh nếu tận dụng được những thuận lợi mang lại.

images1483572_2.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Sơn nghe báo cáo tiến độ xây dựng Trạm nghiền Clinker ở Nghi Thiết.

Tại buổi làm việc giữa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn với Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Lộc vừa qua, nhiều ý kiến của các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh đều hướng đến vấn đề làm thế nào để Nghi Lộc có thể khai thác tốt lợi thế này. 

Đại diện các ban, ngành liên quan cho rằng, để những định hướng trong thu hút đầu tư của tỉnh trở thành lợi thế cho địa phương thì trước hết công tác quản lý quy hoạch phải được Nghi Lộc đặt lên hàng đầu, nhất là tại các quỹ đất để xây dựng KCN trong KKT Đông Nam.

Bởi, ở bất kỳ một khu vực nào khi có tốc độ xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư lớn thì công tác quản lý quy hoạch được đặt ra rất cấp thiết nhằm rút ngắn được thời gian giải phóng mặt bằng, đảm bảo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư thuận lợi. Trong khi đó, Nghi Lộc đến 1/3 diện tích tự nhiên và đơn vị hành chính cấp xã (10 xã) nằm trong KKT Đông Nam.

Với nền tảng kinh tế ngày càng phát triển nên những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng trong thu ngân sách của huyện Nghi Lộc. Kết thúc năm 2015, địa phương này thu ngân sách đạt hơn 134 tỷ đồng/ kế hoạch 103,5 tỷ đồng. Năm 2015, Nghi Lộc đặt mục tiêu thu ngân sách hơn 155 tỷ đồng. Trong đó, ước tính quý I/2016, địa phương này sẽ thu được gần 54 tỷ đồng, đạt hơn 34% dự toán tỉnh giao và tăng 48% so với cùng kỳ năm 2015.
Chủ đầu tư đang tập trung nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm nghiền Clinker tại Nghi Thiết.

Ông Võ Văn Hải - Trưởng ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: “Quy hoạch trong địa phận KKT Đông Nam trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn tất. Chúng tôi đề nghị huyện và các xã liên quan thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch”.

Cũng liên quan đến việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, đất đai trên địa bàn, ông Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh nêu ý kiến, huyện cần ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.

Đồng tình với những ý kiến trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu Nghi Lộc phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cái gì thuộc thẩm quyền, cái gì cần phối hợp thì chỉ ra rõ ràng để giải quyết.

Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nam Cấm, tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc.

Bên cạnh đó, Nghi Lộc cần phải chủ động chăm lo nguồn lực để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp đầu tư vào KKT Đông Nam. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phân tích, trên địa bàn có nhiều nhà máy thì huyện phải hơn các địa phương khác về cung cấp nguồn lao động.

Muốn vậy, Nghi Lộc phải dự báo được nhu cầu để chủ động định hướng, chọn lựa hình thức đào tạo. “Các đồng chí phải tập trung suy nghĩ, tư duy và hành động cho việc đào tạo nghề”, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh.

Khẳng định thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp là động lực chính để phát triển nền kinh tế - xã hội nhanh. Tuy nhiên, với một địa phương có xuất phát điểm là nông nghiệp, đại bộ phận người dân vẫn còn sinh sống phục thuộc vào lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn lưu ý Nghi Lộc phải tiếp tục dành sự quân tâm xứng đáng hơn cho lĩnh vực này.

Trại nuôi bò Úc của Công ty An Thịnh Khang tại xã Nghi Lâm, Nghi Lộc tạo đầu ra cho nông sản của nông dân địa phương.

Trong đó, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường là yêu cầu bắt buộc.

“Các đồng chí phải quan tâm, rà soát lại cây con chủ lực để đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, dựa trên cơ sở phân chia 3 vùng kinh tế trong huyện để xây dựng mô hình phù hợp và nhân rộng được cho bà con nông dân”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu.

Nhật Lệ

TIN LIÊN QUAN