(Baonghean) - Đối thoại trực tiếp là kênh vận động quần chúng hiệu quả nhất để Qùy Hợp tìm kiếm tiếng nói đồng thuận từ phía người dân đối với các chủ trương lớn của huyện.
Để vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất quy mô trong nông nghiệp, nhiền năm qua cán bộ xã Châu Thái đã bắt tay vào triển khai song gần như mọi chuyển động vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Nguyên nhân được xác định là do bà con nhân dân chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc dồn điền đổi thửa.
Trước thực trạng này, chính quyền xã Châu Thái đã thường xuyên tổ chức họp xóm, bản, làm cho bà con nhân dân hiểu rằng việc dồn điền đổi thửa sẽ giúp đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, thâm canh tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua thời gian dài đối thoại, bà con nhân dân Châu Thái dần dần hiểu ra chính sách, chủ trương của Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích cho họ, từ đó việc triển khai thực hiện dễ dàng hơn trước rất nhiều. Đến nay, đã có 473/473 hộ dân xã Châu Thái thực hiện chuyển đổi ruộng đất. Trước khi chuyển đổi, tổng số thửa trên địa bàn xã là 1892, bình quân mỗi hộ có từ 3 – 4 thửa trở lên. Sau khi chuyển đổi, tổng số thửa chỉ còn 946, bình quân mỗi hộ có 2 thửa, liền vùng.
Ông Ngân Văn Trường – xóm trưởng xóm Tam Thái cho biết: “Xóm Tam Thái có 108 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Bà con có thói quen trồng lúa trên ruộng bậc thang, ở nhiều vùng diện tích đất khác nhau. Khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, bà con chưa nhận thức được hiệu quả nên cũng nhiều lần phản đối. Cán bộ xóm và một số đồng chí lãnh đạo cấp trên thường xuyên phải đối thoại với bà con, bằng ví dụ thực tiễn, cụ thể để bà con hiểu và làm theo”. |
Cũng như xã Châu Thái, Châu Cường là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 37%. Tuy nhiên, đây là địa bàn được đánh giá là tạo được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân.
Ghi nhận tại một buổi đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Châu Cường với bà con bản Khì và bản Tèo vào sáng ngày 18/3/2016 có thể nhận thấy đây thực sự là một diễn đàn dân chủ, không mang tính hình thức. Bà con bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng một cách dân chủ, thẳng thắn; lãnh đạo địa phương giải trình một cách cởi mở, cầu thị và tôn trọng nhân dân.
Chị Vi Thị Xuân (bản Tèo) cho biết: “Trước khi triển khai thực hiện bất kỳ một chủ trương, chính sách nào của Nhà nước, lãnh đạo xã cũng tổ chức họp để hỏi ý kiến của dân, từ việc làm đường, xây dựng các công trình cho đến việc triển khai kỹ thuật trồng lúa mới. Những vướng mắc cũng được giải đáp thỏa đáng nên người dân chúng tôi rất tin ở cán bộ, ở chính quyền”.
Đầu năm 2015, chính quyền xã đã lên kế hoạch làm đường giao thông nông thôn, chia thành 2 đợt, đợt 1 để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, đợt 2 để chào mừng bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Được sự tài trợ bột đá của Tập đoàn Yamashi Việt Nhật, chính quyền xã đã huy động nhân dân hiến cây, hiến đất và đóng góp ngày công để san đường.
Ông Lưu Xuân Điểm – Chủ tịch UBND xã Châu Cường cho biết: “Qua các buổi đối thoại với bà con, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao nên việc triển khai tiến độ thực hiện làm đường giao thông nông thôn rất nhanh. Đến nay đã hoàn tất rải bột đá trên gần 20 km các tuyến đường trong xã”.
Không chỉ thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền xã với bà con nhân dân, Qùy Hợp còn là một trong số ít địa bàn sớm triển khai thực hiện chủ trương đối thoại giữa các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy với người dân theo định kỳ mỗi năm 2 lần. Tại các buổi đối thoại đó, các đồng chí Thường vụ Huyện ủy có thể xử lý và giải trình đầy đủ cho bà con các vấn đề thuộc thẩm quyền. Nhờ đó, lãnh đạo huyện đã kịp thời giải quyết nhiều vụ việc, vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân; lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, vượt thẩm quyền giảm đáng kể.
Trong năm 2015, tổng số đơn thư phát sinh trên địa bàn toàn huyện giảm 22 % so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, đối thoại còn là kênh thông tin để các đồng chí lãnh đạo tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó chính là lợi ích thiết thực, trong mối quan hệ nhiều chiều của hoạt động đối thoại, tiếp xúc giữa cán bộ và nhân dân. |
Đồng chí Phan Đình Đạt – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Qùy Hợp cho biết: “Với phương châm dân chủ, công khai, thiết thực và hiệu quả, các cuộc đối thoại từ huyện xuống cơ sở đã thực sự tạo ra được môi trường để chính quyền và nhân dân cùng trao đổi. Chính quyền có cơ sở để bổ sung, điều chỉnh những chủ trương, chính sách không phù hợp; xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề cụ thể, thiết thực từ cơ sở”.
Phương Thảo