(Baonghean) - Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, Công an xã Long Sơn (Anh Sơn) đã có hành vi được coi là “làm càn, làm ẩu”. Họ là những người thực thi pháp luật, nhưng lại cố ý làm trái quy định của pháp luật để thu lợi bất chính...
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự: Khoản 2, Điều 29, Luật Cư trú năm 2006 quy định về việc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu. Theo đó: “Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”. Như vậy, pháp luật cho phép công dân được quyền thay đổi các thông tin về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu. Khi đến làm thủ tục thay đổi, công dân phải xuất trình được một trong các giấy theo quy định trên. Lệ phí được thu theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc ông Nguyễn Thừa Giáp, Trưởng Công an xã Long Sơn cho rằng, Ban công an xã xử phạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 167/2013 là sai. Bởi sai sót trong sổ hộ khẩu là do người dân nhầm lẫn chứ không phải cố tình cung cấp thông tin sai sự thật. Vì vậy, không được áp dụng quy định này để xử phạt. |
Từ phản ánh của các hộ dân, xác minh ở ban công an xã, nhưng chúng tôi nhận được câu trả lời “phải kiểm tra lại". Dù vậy, qua cách lập luận của ông Nguyễn Thừa Giáp, Trưởng Công an xã Long Sơn lại phần nào hé mở về sự việc theo như phản ánh. Bởi ông Giáp cho rằng: Những sai sót “thuần túy” do nhớ lẫn ngày âm sang dương và ngược lại, thì mỗi lần đính chính thu phí 8.000 đồng, còn nếu sai họ tên, ngày tháng năm sinh... là những sai sót “không thuần túy” do có mục đích, cố tình ghi sai, do người dân cung cấp sai... đều áp dụng mức phạt từ 1 đến 2 triệu được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 8 của Nghị định 167/2013. Tuy nhiên, ở địa phương cũng chỉ phạt được mức 1 triệu trở xuống”. Khi chúng tôi đề cập đến việc xem biên bản xử phạt, biên lai thu tiền đối với những trường hợp bị phạt do lỗi sai trong sổ hộ khẩu, ông Giáp quả quyết: Tất cả đều có biên lai, hóa đơn. Sau khi công an xã ký quyết định xử phạt, người dân ra kế toán tài chính nộp tiền, công an không thu.
Tuy nhiên, kiểm tra tại bộ phận tài chính, hóa đơn thu tiền đối với 3 trường hợp cụ thể nêu trên đều không có. Theo cán bộ tài chính của xã trả lời khi chúng tôi đề nghị được kiểm tra hóa đơn thu phạt từ năm 2012 đến nay thì: “Trước đây bác, chị... làm nên cất chỗ khác”. Nhưng ngay tại quyển hóa đơn thu do cán bộ tài chính này cung cấp, có phiếu thu từ đầu tháng 4/2014 đến tháng 8/2014 vẫn không có tên ông N.V.H, người bị “phạt” vì lỗi đính chính năm sinh từ 1947 sang 1949 vào ngày 23/6/2014 (ngày đính chính - PV) như chúng tôi đã nói trên. Quay trở lại hỏi ông Giáp về việc một số trường hợp đưa tiền không có hóa đơn cho công an xã để sửa lỗi trên sổ hộ khẩu, ông Giáp bình thản cho rằng “Đó là tiền họ bồi dưỡng...”.