(Baonghean.vn) - Là một trong những xã hiện "sở hữu" khá nhiều nghề truyền thống: nghề làm giấy dó, nghề đan thuyền thúng, nghề bún bánh, nghề đan lát... Thế nhưng, theo thời gian, các nghề truyền thống ở Nghi Phong (Nghi Lộc) đang có nguy cơ mai một dần.
Bên cạnh nghề nông, nghề đan thuyền thúng đã đến với làng Phong Thành rồi trở thành một nghề truyền thống hết đời này sang đời khác. Con cái, cháu chắt làng Phong Thành đã lớn lên trong tiếng đục, tiếng cưa, tiếng nêm của những ông bố, bà mẹ tảo tần bên những con thuyền thúng. Trong ký ức của họ, hẳn vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh những con thuyền đan dở lật úp như những chiếc mui rùa khổng lồ.
Ông Phạm Văn Lý đang vót nan, công đoạn quan trọng của nghề đan thuyền thúng
Ông Phạm Văn Huệ - xóm trưởng xóm Phong Thành, người có thâm niên làm nghề thuyền thúng hơn 20 năm, thế mà nay cũng đã bỏ nghề hơn 5 năm, bùi ngùi: Học nghề từ người cha lúc lên 14 tuổi, suốt từ đó đến nay ông đã trải qua bao phen sóng gió với nghề. Nhờ nghề đan thuyền thúng mà vợ chồng ông đã nuôi 3 cậu con trai nên người.
Để làm được một cái thuyền thúng phải trải qua rất nhiều công đoạn: từ chọn tre già tuổi, chẻ tre, vót nan, đan thúng, uốn vành cho đến phơi thúng khô và quét dầu hắc ín (hay còn gọi là nhựa đường). Cái khó nhất khi đan thuyền thúng là lận cạp. Thuyền thúng có bền và đẹp hay không, ngoài yếu tố xử lý chất liệu nan, phết dầu, công đoạn lận cạp có vai trò rất quan trọng. Một người thợ giỏi nghề, phải cạp làm sao cho các nan chụm đều nhưng phải kín. Nếu không đủ các yếu tố trên, thì người mua họ sẽ chê. Bởi khó nên công đoạn này chỉ dành cho người cao tuổi, người có thâm niên với nghề. Được biết, nếu thời tiết thuận lợi, một người để hoàn thành một chiếc thuyền thúng mất trọn 5 ngày, giá mỗi chiếc tùy loại nhỏ to, từ 1,7 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày công được 200.000 đồng, nếu có đơn đặt hàng thường xuyên thì đời sống cũng ổn.
Sản phẩm thuyền thúng của làng Phong Thành
Thuyền thúng Phong Thành đã đến với các vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội, Diễn Châu, Hà Tĩnh... Tuy nhiên, những năm gần đây nghề đang mai một dần do nhiều nguyên nhân: bây giờ ngư dân chủ yếu đánh bắt cá xa bờ nên chỉ dùng thuyền to, tàu lớn. Hơn nữa do thời thế đã thay đổi, ngày nay người ta còn sản xuất ra những chiếc thuyền thúng bằng nhựa thay thế thuyền thúng bằng tre, tuy giá có cao gấp đôi nhưng ngư dân vẫn chọn vì thuyền làm bằng nhựa nhẹ hơn. Điều quan trọng là lớp trẻ không mặn mà với nghề đan thuyền thúng, mà lớp già trong làng ngày càng yếu đi, không đủ sức để theo nghề. Nhưng quan trọng nhất là đầu ra cho thuyền thúng quá bấp bênh. Bên cạnh việc giảm sức tiêu thụ, nguyên vật liệu cũng ngày càng khan hiếm do xu thế đô thị hóa, cây tre đang ngày càng vắng bóng ở những làng quê.
Trước đây cả làng Phong Thành, nhà nào cũng làm nghề, nay chỉ còn 7 hộ theo nghề mà chủ yếu là tuổi trung niên, đám thanh niên trong làng hầu như không ai theo nghề này cả. Như gia đình ông Huệ, có 3 người con trai thì hai người đang đi lao động ở Đài Loan, Malaixia, còn thằng út cũng đã học xong, hiện đang hoàn thiện thủ tục để cuối năm xuất khẩu lao động. Tìm hiểu được biết, cả làng Phong Thành có 105 hộ thì có hơn 50 người đi xuất khẩu lao động. Chính vì thế là nghề thuyền thúng mai một dần cũng là điều dễ hiểu.
Ông Phạm Văn Lý (57 tuổi) là một trong 7 hộ đang ngày ngày cần mẫn duy trì nghề đan thuyền thúng, chia sẻ: Mai này thế hệ chúng tôi không còn, biết có ai đam mê đeo đuổi nghề đan thuyền thúng này nữa hay không?
Nỗi niềm nghề làm giấy dó
Chị Bạch Thị Thủy (xóm Phong Phú) - xóm duy nhất của xã Nghi Phong làm nghề giấy dó, cho biết: Không biết nghề giấy dó có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên đã thấy các bà, các mẹ làm nghề và chị học nghề từ chính người mẹ của mình. Lấy chồng, nghề giấy dó theo vợ chồng chị cho đến ngày hôm nay. Thời gian tới nếu tìm được nghề phụ nào đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn chị Thủy cũng sẽ chuyển nghề.
Tước vỏ cây - một công đoạn của nghề làm giấy dó
Ngày trước, cả làng Phong Phú nhà nào cũng làm nghề này, nhưng theo thời gian, nguồn nguyên liệu ngày càng đắt (300 ngàn đồng/1 yến vỏ cây dó), đầu ra cho sản phẩm giấy dó rất khó khăn, chủ yếu đi bán dạo ở các vùng biển để người ta dùng dán bụng cá bị vỡ, thêm vào đó, để làm ra tờ giấy dó trắng mịn, mỏng tang, mềm dai, phải trải qua rất nhiều công đoạn gần 1 tháng trời. Riêng việc sơ chế vỏ cây, rồi tước nhỏ, ngâm với nước vôi trong, nấu mấy ngày liền… rất vất vả cho người làm nghề.
Sản phẩm giấy dó làng Phong Phú.
Chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1950), người theo nghề giấy dó từ bé, trăn trở: Nghề vất vả mà thu nhập rất thấp, chưa trừ chi phí mỗi tháng chỉ thu từ 700 – 800 ngàn đồng, (1 yến vỏ cây dó làm ra khoảng 200 tờ giấy dó, mỗi tờ có giá từ 2,5 nghìn đồng đến 3 nghìn đồng). Chính vì thu nhập thấp mà rất nhiều hộ trong làng đã chuyển sang làm nghề khác có thu nhập cao hơn. Chỉ còn những gia đình không thể làm được việc gì khác vẫn đang đeo đuổi nghề làm giấy dó.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phong, cho biết: Ngoài nghề làm thuyền thúng, Nghi Phong còn có nghề làm giấy dó, nghề bún bánh, nghề đan lát rổ rá, nghề mây tre đan xuất khẩu… và nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nghề truyền thống đang mai một dần. Nghề thuyền thúng ở Phong Thành chỉ còn 7 hộ duy trì, nghề làm giấy dó ở Phong Phú chỉ còn hơn 10 hộ theo nghề. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương rất trăn trở nhưng chỉ biết động viên, khuyến khích bà con tiếp tục duy trì nghề chứ chưa có một cơ chế, chính sách nào hỗ trợ cho người dân.
Tìm hiểu được biết, trong đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của Nghi Phong giai đoạn 2010 - 2015 chú trọng duy trì, gìn giữ ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiện Nghi Phong cũng đang rất lúng túng trong việc làm thế nào để duy trì các nghề truyền thống này?
Trong khi chính quyền đang lúng túng, người dân thì không mặn mà nên các nghề truyền thống của Nghi Phong đang đứng trước nguy cơ thất truyền nếu như không có giải pháp thích hợp./.
Lối đi nào cho nghề truyền thống ở Nghi Phong ?
Thanh Thủy