Phát triển Logistics để khai thác tiềm năng, lợi thế
Hành lang kinh tế Đông - Tây bắt đầu từ Mae Sot (Thái Lan) chạy qua Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan (Thái Lan), Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh (Lào) và Việt Nam.
Về Chiến lược phát triển kinh tế hành lang Đông Tây: liên kết giữa các quốc gia và lãnh thổ trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) theo hành lang giao thông kinh tế Đông - Tây nhằm sử dụng các cảng biển miền Trung Việt Nam làm cửa ngõ "ra - vào" cho hàng xuất và nhập khẩu từ Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Trong các hành lang kinh tế ở miền Trung, hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông qua các cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo theo đường 8 và đường 12A đến cảng Vũng Áng, Hòn La; qua các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy theo đường 7, đường 46 đến cảng Cửa Lò có vị trí rất quan trọng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy.
Với lợi thế về khoáng sản, khoảng cách địa lý và cảng biển nước sâu để phát triển và cung cấp dịch vụ Logistics từ các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ của Việt Nam cũng như cung ứng tại Lào, hành lang này sẽ mang lại nhiều lợi ích: liên kết vùng, tạo môi trường gắn bó kinh tế, văn hóa, chính trị; giúp Lào và Việt Nam xuất khẩu khoáng sản ra biển với chi phí thấp; giúp Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu, hóa chất đầu vào cho ngành khai thác khoáng sản.
Kết nối doanh nghiệp
Để thực hiện chiến lược Logistics, theo các đại biểu, cần chú trọng vào thành tố của hệ sinh thái của Logistics như phát triển hạ tầng vận tải, đồng bộ hóa các thể chế xuyên quốc gia, phát triển Logistics dịch vụ hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời sự thành công của việc triển khai thực hiện các chiến lược Logistics đòi hỏi phải có sự thấu hiểu, đồng thuận và phối hợp hành động không những của cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương, tỉnh của Việt Nam và Lào, mà còn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư Logistics.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng: “Việc phát triển hành lang kinh tế Đông Tây tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhưng cơ hội đó thành công hay không phải có doanh nghiệp mới làm được. Để hành lang kinh tế Đông Tây khu vực Bắc Trung bộ phát triển xứng tầm với khu vực và quốc tế, cần sự kết hợp hai bên: doanh nghiệp trong nước và doanh nhân Việt kiều”.
Đối với tỉnh Nghệ An có 200 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Hàng hóa thông qua các Cảng của Nghệ An trung bình mỗi năm 7 triệu tấn, riêng cảng Nghệ Tĩnh khoảng 3,7 triệu tấn.
“Các công ty Logistics chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng dịch vụ Logistics còn hạn chế. Hiện nay tỉnh đang phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng các cảng nước sâu. Đặc biệt Nghệ An rất mong muốn đón nhận Việt kiều đầu tư vào tỉnh” - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.