(Baonghean) - Tình trạng người dân lấn chiếm lòng kênh Vách Bắc đoạn qua xã Đô Thành (Yên Thành) rồi xây dựng nhà kiên cố ngay trong phạm vi thoát lũ của kênh ngày càng nghiêm trọng. Sự việc kéo dài nhiều năm nhưng các cấp chính quyền ở Yên Thành cũng như đơn vị quản lý kênh là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc thể hiện sự “bất lực”, không tìm được hướng giải quyết dứt điểm.
Buông lỏng quản lý nghiêm trọng
Kênh Vách Bắc được xây dựng từ năm 1976 để tiêu úng cho 13 xã của huyện Yên Thành, đoạn đi qua xã Đô Thành có chiều dài hơn 1,7km do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý, khai thác. Từ năm 2000, công trình này luôn trong tình trạng bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà ở ngay trong phạm vi thoát lũ của kênh.
Theo thiết kế chiều rộng kênh Vách Bắc là 90m, song đoạn qua xã Đô Thành bị người dân lấn từ 15-20m. Đi dọc kênh Vách Bắc, hàng trăm ngôi nhà kiên cố, trong đó rất nhiều ngôi nhà cao tầng nối nhau san sát, nhiều ngôi nhà vẫn đang được tiếp tục xây dựng, người dân sinh sống trên lòng kênh như là điều hết sức bình thường.
Theo tổng hợp của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An thì hiện có khoảng 208 gia đình có đất ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh Vách Bắc. Đến thời điểm hiện tại, đã có 172 trường hợp làm nhà ở, còn khoảng 37 trường hợp chưa làm nhà.
Để xảy ra tình trạng người dân xây nhà trong phạm vi thoát lũ của kênh Vách Bắc, trước hết phải nói đến trách nhiệm của Chính quyền xã Đô Thành (Yên Thành) trong công tác quản lý đất đai. Từ năm 1985, UBND xã Đô Thành đã bán đất không có thời hạn sử dụng cho 6 hộ dân bằng hình thức mua trái phiếu với mục đích cho người dân xây ốt kinh doanh. Từ năm 1992 - 1996, UBND xã Đô Thành tiếp tục bán đất trong lòng kênh cho 168 trường hợp, các hộ này đã nộp tiền vào ngân sách xã.
Từ đó đến nay, trong quá trình sử dụng đất, các hộ dân tiếp tục tách thửa, mua bán, chuyển nhượng nên số hộ có đất ở đây tăng lên 199 trường hợp. Việc bán đất của UBND xã Đô Thành qua nhiều giai đoạn được kết luận là trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 1994 và Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông năm 1994.
Không chỉ vậy, chính quyền xã Đô Thành đã thể hiện sự buông lỏng quản lý về xây dựng cơ bản khi để cho người dân xây dựng nhà ở ngay trong phạm vi thoát lũ của kênh Vách Bắc mà không có biện pháp ngăn chặn từ đầu, giải quyết dứt điểm. Cụ thể, mặc dù việc bán đất của xã Đô Thành là để xây dựng ốt kinh doanh nhưng thực tế từ năm 2000 đến nay, người dân đã xây dựng hàng trăm ngôi nhà kiên cố. Đáng chú ý, trong các trường hợp xây nhà ở đây, theo ông Nguyễn Văn Xuyên – Chủ tịch UBND xã Đô Thành thì còn có nhà của ông Phó Bí thư Đảng ủy xã và Phó chủ tịch UBND xã.
Sau khi phát hiện người dân xây nhà trái phép, chính quyền xã đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc ra kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Sau đó, chính quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng người dân không chịu nộp. Song, xã không có biện pháp hành chính khác như tịch thu tang vật, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính mà ... “bất lực” nhìn các ngôi nhà cứ nối nhau mọc lên.
Trong khi các cấp, ngành đang tìm hướng giải quyết dứt điểm, một biện pháp được đưa ra là yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không để các hộ dân xây dựng mới, cơi nới, chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật. Tuy nhiên, biện pháp này đã không thực hiện được nghiêm.
Theo ông Nguyễn Văn Xuyên – Chủ tịch UBND xã Đô Thành thì người dân lén lút xây dựng ban đêm, ngày nghỉ nên xã không quản lý được nhưng thực tế thì trái ngược, người dân vẫn vô tư đổ vật liệu, xây dựng nhà công khai giữa ban ngày mà không hề có sự ngăn chặn quyết liệt của chính quyền. Ngay trong thời điểm này, một đoàn kiểm tra của Thanh tra tỉnh đang về làm việc để kiểm tra công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng cơ bản ở xã Đô Thành theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng việc xây dựng vẫn diễn ra bình thường, như chẳng có gì xảy ra.
“Bất lực” nhìn người dân vi phạm
Sau khi phát hiện tình trạng người dân xây nhà ở trong phạm vi thoát lũ của kênh Vách Bắc, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành về xã Đô Thành làm việc để tìm hướng giải quyết. Quá trình rà soát các trường hợp mua đất của UBND xã thì phát hiện có khoảng 30 trường hợp nguồn gốc giấy tờ chưa được rõ ràng và có dấu hiệu giả mạo.
Trước sự việc đó, ngày 9/5/2017, ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành yêu cầu UBND xã Đô Thành tập hợp hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc đất (bản gốc) để gửi Công an huyện Yên Thành tổ chức giám định trước ngày 15/5/2017. Trường hợp các hộ gia đình không giao nộp hồ sơ gốc thì UBND huyện sẽ không xem xét tính pháp lý của các giấy tờ đó. Trong thời gian tới, các hộ xây dựng mới, cơi nới thì giao cho UBND xã lập biên bản đình chỉ, xử phạt và tiến hành cưỡng chế theo quy định.
UBND huyện Yên Thành cũng giao cho UBND xã Đô Thành trả lại tiền cho hộ ông Trần Văn Tâm (xóm Phú Xuân) do được xóm giao đất trái thẩm quyền và cưỡng chế 2 hộ lấn chiếm kênh là Lê Hồng Nghiêm và Trần Văn Hiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Đô Thành cho biết, hiện vẫn chưa có hộ nào chịu nộp hồ sơ gốc và xã cũng chưa tiến hành cưỡng chế được.
Bên cạnh đó, có 5 trường hợp (nay đã phát sinh thành 9 trường hợp) có giấy tờ được Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An và Xí nghiệp Thủy lợi đầu mối cho thuê. Tuy nhiên, ông Võ Sỹ Thắng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An và ông Nguyễn Văn Lệ - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi đầu mối cho biết, năm 2012 có 2 hộ dân xây nhà trái phép trên kênh Vách Bắc, khi cán bộ công ty xuống kiểm tra lập biên bản đình chỉ thì họ trình ra 2 giấy cho thuê đất có dấu đỏ và chữ ký của Giám đốc Xí nghiệp và Giám đốc Công ty.
Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty và xí nghiệp đã cho rằng chữ ký trong hồ sơ không phải là của mình. Sau đó, vào năm 2013, xí nghiệp đã báo cáo công ty và bàn giao hồ sơ cho Công an huyện Yên Thành nhưng đến nay Công an huyện Yên Thành vẫn chưa có thông báo giải quyết vụ việc.
Ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành thừa nhận, sự việc người dân lấn chiếm lòng kênh Vách Bắc ở xã Đô Thành là rất phức tạp và hiện các cấp, ngành vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra một giải pháp tối ưu để giải quyết tình trên. Trong khi đó, người dân vẫn bất chấp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của mình trong sự “bất lực” của cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng kênh Vách Bắc, các cấp, các ngành liên quan cần xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân để xảy ra tình trạng nói trên, từ đó có hình thức xử lý nghiêm minh, nếu đủ cơ sở có thể truy tố trước pháp luật. Bên cạnh tuyên truyền về bảo vệ công trình thủy lợi, cần xử lý nghiêm các đối tượng cố tình tái diễn xây dựng mới. Rà soát, lập danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vi phạm để tìm ra phương án giải quyết giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi đúng theo quy định của pháp luật.
Nhật Lân – Phạm Bằng