Lãnh tụ Stalin vào năm 1947 nhiệt tình ủng hộ việc thành lập Israel, với hy vọng nhà nước Do Thái sẽ là đồng minh của Liên Xô ở vùng Trung Đông.
Năm 1947, tình hình ở Trung Đông rất căng thẳng, hầu như tuần nào cũng có cảnh bạo lực đầu rơi máu chảy. Vương quốc Anh đã cai quản vùng Palestine từ năm 1920 và giờ muốn chấm dứt chế độ ủy nhiệm và trao tự do cho cựu thuộc địa này.
Khi đó căng thẳng gia tăng giữa những người Arab Palestine (khoảng 1,2 triệu người, chiếm 65% dân số ở đây) và những người định cư Do Thái (khoảng 608.000 người, chiếm 35% dân số). Người Arab không muốn có một nhà nước Do Thái ở Palestine và đe dọa sẽ “quăng nhà nước đó xuống biển” nếu như nó ra đời. Về phần mình, người Do Thái vừa mới hứng chịu những khổ đau tột cùng trong các cuộc thảm sát diệt chủng của Đức Quốc xã nên họ quyết tâm chiến đấu để thiết lập Tổ quốc mới.
Để đạt được mục đích của mình, người Do Thái cần sự ủng hộ kinh tế và ngoại giao. Và một trong các đồng minh chính của họ trong Cuộc chiến giành Độc lập 1948-1949 lại là một nhân tố bất ngờ - Liên Xô. Khi ấy, để mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô sau khi giành chiến thắng trong Thế chiến thứ 2, lãnh tụ Joseph Stalin sẵn sàng dành sự ủng hộ cho cộng đồng Do Thái ở Palestine.
Leonid Mlechin, một sử gia và nhà báo Nga, nói với đài Ekho Moskvy rằng “việc tạo ra một nhà nước Do Thái ở Palestine là cách mà ông Stalin áp dụng để đẩy nước Anh, mà ông không ưa, ra khỏi Trung Đông”. Do các nhà nước Arab vào thời điểm đó thường thân Anh nên lãnh tụ Liên Xô Stalin lựa chọn phương án hợp tác với những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zion). (Ngoài ra, Stalin cũng hy vọng Israel sau này sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa – ND).
Anh không chỉ là đối thủ địa chính trị của Liên Xô. Anh cũng bị người định cư Do Thái oán ghét. Vào năm 1946, các chiến binh Zion đã đánh bom khách sạn Vua David ở Jerusalem, nơi đặt cơ quan hành chính của Anh, khiến 91 người thiệt mạng.
Việc đẩy người Anh ra khỏi Palestine là mục tiêu chung của cả phe phục quốc Do Thái lẫn Liên Xô, tất nhiên là với các lý do khác nhau.
Cuộc chiến ngoại giao
Sau khi chế độ ủy nhiệm của Anh chấm dứt, vấn đề Palestine được đưa ra Liên Hợp Quốc để tìm ra giải pháp.
Trong khi Anh không ủng hộ ý tưởng thiết lập một nhà nước Do Thái độc lập thì hai cường quốc chính của trật tự thế giới sau Thế chiến 2 - Liên Xô và Mỹ, lựa chọn giải pháp 2 nhà nước. Phương án này của Mỹ và Liên Xô bị các nước Arab cực lực phản đối. Vào tháng 11/1947, vấn đề Palestine được đem ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bài phát biểu của Đại sứ Liên Xô tại Liên Hợp Quốc Andrei Gromyko có đoạn: “Nhân dân Do Thái có mối liên hệ với Palestine trong suốt một thời kỳ lịch sử dài”. Tuyên bố này mâu thuẫn với quan điểm của thế giới Arab cho rằng việc tạo ra nhà nước Iseael là sai trái. Và Liên Xô đã trở thành đất nước đầu tiên chính thức công nhận Israel, vào thời điểm 2 ngày sau khi quốc gia này tuyên bố độc lập vào ngày 14/5/1948.
Ủng hộ bằng vũ khí
Mỹ mặc dù hậu thuẫn việc thành lập nhà nước Israel nhưng lại chính thức cấm cung cấp vũ khí cho Trung Đông. Trong khi đó, Moscow đã gửi vũ khí cho lực lượng Zion, mặc dù là phi chính thức và gián tiếp thông qua các nước khác, như Tiệp Khắc.
Liên Xô đã gom vũ khí Đức mà họ thu được vào cuối Thế chiến 2 để gửi cho Israel. Israel đã nhận được súng trường, súng cối và thậm chí một vài máy bay chiến đấu Messerschmitt qua kênh Tiệp Khắc, với sự cho phép và đồng thuận của Liên Xô.
Tất nhiên Liên Xô không phải là nguồn vũ khí duy nhất của nhà nước Do Thái non trẻ. Israel khi đó đã dùng mọi cách có thể để tậu được vũ khí từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng vũ khí mà Liên Xô gửi chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Israel vào năm 1948.
Quan hệ xấu dần đi
Thế nhưng sự hậu thuẫn của Stalin dành cho sự nghiệp Israel không kéo dài.
Trong cuốn sách của mình về phong trào Zion ở Liên Xô, sử gia Israel sinh ra ở Nga Julius Kosharovsky viết rằng quan hệ giữa 2 nước xấu đi nhanh chóng sau khi đặc phái viên của Israel tại Liên Xô, Golda Meir, nêu vấn đề đưa những người Do Thái ở Liên Xô về Israel.
Câu trả lời là “Không” một cách chắc nịch. Quan điểm chính thức của Liên Xô khi ấy là tất cả các công dân Do Thái của Liên Xô cũng giống như tất cả công dân Xô viết nói chung, là rất hạnh phúc và không cần đến một miền đất hứa nào.
Các chính trị gia Israel đã không thể chấp nhận điều đó và họ sau đó nhanh chóng quay sang Mỹ và coi Mỹ là đồng minh chính.
Quan hệ đồng minh giữa Israel và Mỹ đã có hậu quả tiêu cực lên quan hệ giữa Israel và Liên Xô sau đó. Từ giữa thập niên 1950 đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Liên Xô ủng hộ thế giới Arab trong cuộc đối đầu với Israel./.
Theo VOV