Nguồn tin này dẫn lời của Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết, trong một vài năm gần đây, đã có nhiều đồn đoán về việc phía Việt Nam đang tiến hành đàm phán với Ấn Độ về việc được sở hữu loại tên lửa hành trình siêu thanh này của New Delhi.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng có mong muốn tương tự với Việt Nam như Malaysia, Singapore và Indonesia.
Một vài cuộc thảo luận giữa Ấn Độ và các nước Nam Mỹ như Peru hay Chile cũng đã từng diễn ra, cho thấy tiềm năng xuất khẩu cực kỳ lớn của loại tên lửa do Ấn Độ tự phát triển này.
Vậy trong trường hợp Việt Nam chính thức mua, phiên bản nào của BrahMos được lựa chọn? Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hiện nay BrahMos được phát triển với 3 phiên bản gồm: Bờ đối hạm, ngầm đối hạm và không đối hạm.
Tất cả những phiên bản này Việt Nam có thể mua nhưng phiên bản hạm đối hạm thì Việt Nam chưa đủ điều kiện và cũng không cần thiết phải mua bởi hiện nay, không có tàu chiến nào của Việt Nam có thể mang được, bởi BrahMos có trọng lượng phóng quá nặng, lên tới gần 3 tấn.
Hiện nay, phiên bản máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Việt Nam có tính năng tương đồng với Su-30MKI nên vừa có thể trang bị Kh-31, Kh-35 và tên lửa BrahMos-M. Ngoài ra, dòng máy bay MiG như MiG-29 cũng có thể vừa tích hợp BrahMos và Kh-35. Điều này cũng có thể tác động đến xu hướng mua sắm máy bay chiến đấu thay thế cho MiG-21 của nước ta.
Tàu ngầm Kilo cải tiến 636MV cũng là một phương tiện tác chiến có khả năng trang bị tên lửa BrahMos thay cho tên lửa hành trình chống hạm Club-S 3M-54E. Hơn nữa, nếu chúng ta chỉ mua sắm số lượng hạn chế tên lửa 3M-54E cho tàu ngầm thì giá thành sẽ rất đắt, nếu mua BrahMos trong một lô lớn thì chắc chắn sẽ rẻ hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể sắm hệ thống phóng tên lửa cơ động bờ đối hạm BrahMos, vì nó có cùng tiêu chuẩn kỹ chiến thuật với hệ thống K-300P Bastion-P (NATO: SSC-5) sử dụng tên lửa P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx - nguyên mẫu của BrahMos).
Trên bản đồ, bờ biển nước ta dài trên 3.000km thế nhưng, hiện quân đội ta mới sở hữu một số lượng hạn chế hệ thống K-300P Bastion, mỗi hệ thống có phạm vi bao quát 600km, như vậy là chưa đủ phủ kín vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, để bảo vệ hết đường bờ biển dài của nước ta, lấp kín những vùng chết và điểm giao cắt hỏa lực giữa các hệ thống, Việt Nam cần mua thêm một số hệ thống phòng thủ bờ đối hạm tiên tiến nữa. Và 1 số hệ thống tên lửa bờ đối hạm BrahMos nữa hoàn toàn có thể “chia lửa” hữu hiệu cho K-300P Bastion-P.
Chỉ có biến thể phóng từ tàu mặt nước là Việt Nam khó có thể mua vì với trọng lượng lớn gấp gần 5 lần trọng lượng tên lửa chống hạm Kh-35E (trên 600kg) hoặc gấp gần 4 lần MM-40 Exocet trên các chiến hạm Gepard và Sigma, nó chỉ được trang bị trên các tàu hộ vệ và khu trục hạm có lượng giãn nước gấp vài lần các tàu hộ vệ lớn nhất của Việt Nam.
Vì vậy, phương án mua tên lửa BrahMos trên tàu mặt nước sẽ không khả thi trong giai đoạn hiện nay, nó chỉ đến khi hải quân Việt Nam sở hữu các tàu hộ vệ, khu trục hạng nặng. Còn 3 phiên bản trên chúng ta hoàn toàn có thể mua để tăng cường thực lực tác chiến phòng thủ đối hạm cho lực lượng không/hải quân.