(Baonghean) - Cha mẹ qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác, cuộc sống của Hoàng vốn khốn khó nay lại càng thêm cơ cực hơn khi không còn điểm tựa. Con đường tương lai tưởng như rộng mở ngay trước mắt với tờ giấy báo nhập học của trường Đại học Vinh nhưng nay lại trở nên quá xa xôi bởi nỗi lo về kinh phí nhập học không biết xoay xở ở đâu.
Nỗi đau tận cùng
Những ngày cuối tháng Tám khi nhiều gia đình rộn ràng, tất bật với không khí của mùa khai giảng, chúng tôi tìm về căn nhà cấp 4 cũ kỹ của ba chị em Đặng Đăng Hoàng (SN 1999) nằm lọt thỏm trên trục đường xóm 14, xã Nghi Liên (TP. Vinh). Ngôi nhà cũ kỹ, ẩm thấp với những mảng rêu mọc quanh chân tường là tài sản duy nhất mà cha mẹ em Hoàng để lại sau khi qua đời.
Bên trong nhà chỉ có chiếc giường nhỏ ọp ẹp nằm khuất sau tấm ri-đô cũ sờn, vài chiếc ghế con và chiếc bàn nhỏ với những cuốn sách được Hoàng xếp đặt ngăn nắp. “Em định gói nó lại để đem cho mấy em xóm dưới chị ạ! Chứ giờ em có học nữa đâu mà giữ lại!...” - Hoàng nói, giọng trầm buồn.
Hoàng rót nước mời khách và bắt đầu kể cho tôi nghe về gia cảnh hết sức bi đát của gia đình mình. Năm 2013, khi cha mẹ em đang ở giai đoạn ăn nên làm ra thì cũng là khi mẹ em đổ bệnh. Bao nhiêu vốn liếng làm ăn được dồn lại để điều trị căn bệnh ung thư của mẹ. Nhưng đâu ai ngờ, chưa đầy 10 tháng sau, cha của em cũng phát bệnh với biểu hiện sưng phù vùng ổ bụng. Chẳng có nhiều tiền vì chữa chạy cho mẹ đã vượt sức của gia đình và anh em họ hàng, 3 chị em Hoàng đau đớn nuốt nước mắt vì không làm thế nào giữ cha mẹ lại được.
Mất cả cha lẫn mẹ trong phút chốc vì căn bệnh quái ác, người chị cả của Hoàng là Huyền Trang đang học lớp 12 đành nghỉ học đi làm nuôi Hoàng và cậu em út đang học lớp 2. Đúng lúc gia cảnh rơi vào giai đoạn khốn cùng nhất thì điều may mắn đã đến với Huyền Trang khi được các tổ chức từ thiện trong vùng giúp đỡ nuôi ăn học.
Biết ơn những người có tấm lòng nhân đạo đã giúp đỡ mình, cả 3 chị em đều cố gắng học hành để không phụ công. Cuối năm 2015, Huyền Trang đã thi đỗ vào Khoa Luật - Trường ĐH Vinh) còn Hoàng và em trai cũng phấn đấu để có được thành tích cao. Ngoài việc học ở trường, cả 3 chị em ở nhà còn bảo ban nhau làm việc nhà, trồng rau làm vườn để bữa cơm có thêm chút rau cà.
Ước mơ dang dở
Nhưng sự giúp đỡ cũng chỉ có hạn, chỉ đủ cho chị Trang duy trì hết 4 năm đại học còn riêng Hoàng, giấy báo đỗ đại học gửi về chỉ khiến em thêm buồn hơn bởi nỗi lo khoản tiền đóng học đầu năm và chi phí của 4 năm đại học biết lấy đâu ra. Ngày 20/8 là ngày làm thủ tục nhập học. Song, Hoàng chỉ biết ngồi ở nhà nhìn lên bàn thờ của cha mẹ, giấu giọt nước mắt vào trong.
Trong kỳ thi tuyển sinh Đại học vừa qua, Đặng Đăng Hoàng đạt số điểm là 17,5 bao gồm ba môn Toán, Vật lý và Hoá học, đủ điều kiện để đỗ vào Khoa Xây dựng như nguyện vọng của em đã đăng ký trước đó. Song, đáng buồn thay cho một tương lai đáng lẽ sẽ rất rộng mở nay lại phải giấu đi tờ giấy báo trúng tuyển để ra đồng phụ chị gái nhổ cỏ lúa.
“Được đi học là điều mong ước lớn nhất của Hoàng, bởi em nói rằng chỉ có đi học mới có thể thoát nghèo, mới có thể làm cha mẹ yên lòng. Ước mơ của Hoàng là trở thành một kỹ sư xây dựng. Nhưng có lẽ điều mong ước đó khó có thể thực hiện được vì em không có tiền để đóng học.
“Mấy hôm nay chị gái em cũng bàn mãi rằng để chị nghỉ học, đi làm thuê lấy tiền đóng học phí cho em nhưng em không muốn vậy. Bởi khó khăn lắm chị mới học được lên đến đó, giờ còn hơn 1 năm nữa là chị ra trường. Để chị đi học, em ở nhà đi làm thuê góp tiền phụ vào để nuôi em út, sau này có điều kiện sẽ đi học trở lại chứ nhất quyết chị không được bỏ dở dang như thế...” - câu nói Hoàng ngập ngừng, vầng trán rộng đầy vẻ thông minh nhưng không giấu nổi ánh mắt của một sự nuối tiếc.
Chúng tôi chia tay nhau khi Hoàng chuẩn bị đi đón đứa em trai út đi học về. Không còn cha, không còn mẹ, Hoàng giờ đây trở thành trụ cột, chỗ dựa tinh thần quan trọng cho chị và em trai mình. Bất chợt tôi thấy Hoàng nhìn lên ban thờ. Ở đó 2 tấm di ảnh của bố mẹ em dường như vẫn chăm chú dõi theo từng bước đi, hành động của những đứa con tội nghiệp. Phía trước trên con đường em đi hẳn còn nhiều chông gai, khó khăn...
Như Sương