Việc xóa bỏ lò gạch thủ công theo chủ trương của Chính phủ trên địa bàn Nghệ An vẫn đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chính là chưa có những cơ chế và giải pháp phù hợp.


Tại Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 8 năm 2001 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, đã định hướng: Từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010.

Tiếp đó, tại Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 04 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, cũng đã tiếp tục định hướng phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành, thị xã triển khai thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, đến năm 2006, Thành phố Vinh và các vùng phụ cận phải hoàn thành kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công; các huyện đồng bằng hoàn thành vào năm 2007; các huyện trung du miền núi hoàn thành năm 2010. Và trong kế hoạch mới nhất của UBND tỉnh theo Quyết định 2743/QĐ-UBND, ngày 24/6/2010, tỉnh định hướng đến năm 2013 chấm dứt các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.


Các lò gạch thủ công tồn tại là vấn đề mang tính lịch sử, phản ánh nhu cầu phát triển sản xuất từ công trường thủ công lên quy mô đại công nghiệp. Xét về hiệu quả kinh tế - xã hội thì loại hình sản xuất kinh doanh này có những đóng góp nhất định, đáp ứng nhu cầu về vật liệu cho các công trình xây dựng dân sự và kể cả các công trình Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê năm 2010 của Sở Xây dựng, các lò gạch thủ công đạt sản lượng 200 triệu viên/năm, trong đó có 150 triệu viên đạt quy chuẩn, bằng 37,5% tổng sản lượng gạch quy chuẩn trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các lò gạch thủ công ít nhiều cũng đã đóng góp một phần vào ngân sách, mỗi năm từ 3 - 5 tỷ đồng. Ngoài ra, loại hình sản xuất kinh doanh này còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân (bình quân mỗi lò có khoảng 25 - 40 lao động thường xuyên và thời vụ).

Tuy nhiên, như đã phân tích, loại hình này gây ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, đến việc sử dụng tài nguyên đất. Mặt khác, nếu đưa diện tích sản xuất gạch thủ công vào các mô hình kinh tế khác hiện nay, như sản xuất nông nghiệp với trồng lúa, làm trang trại, chăn nuôi lợn, gà, vịt, nuôi trồng thủy sản; hoặc xây dựng các khu tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.


Song vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, là đang thiếu sự chỉ đạo quyết liệt từ phía tỉnh. Các văn bản của Trung ương và của tỉnh lâu nay vẫn chỉ mang tính định hướng, khuyến cáo, nhắc nhở, cảnh báo để các địa phương chủ động trong việc giảm, tiến tới loại bỏ các công nghệ sản xuất lạc hậu này, chứ chưa có cơ chế, chế tài nào để thực hiện quyết liệt, triệt để.

Mặt khác, việc xóa bỏ lò gạch thủ công không phải "một sớm, một chiều", mà xung quanh đó đang còn bao nhiêu vấn đề đặt ra: đó là việc chuyển đổi nghề,việc làm; thu nhập của người lao động; đó còn là vấn đề vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường ở địa phương, khi "cầu" đang thật sự cần để có "cung".

Ngoài ra, do lợi ích từ việc đóng góp ngân sách, hoặc do được hỗ trợ gạch để xây dựng các công trình công cộng như trường học, đường sá nên các địa phương đã lờ đi để các chủ lò gạch tiếp tục hoạt động, dù đã hết thời gian hợp đồng.

Ông Hoàng Trọng Kim - Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định: "Không thể giải quyết ngay vấn đề này bằng một quyết định hành chính được mà phải có kế hoạch, lộ trình, bước đi, cơ chế phù hợp. Bởi bản thân các lò gạch thủ công là nơi sinh kế của bao nhiêu người lao động, của bao gia đình; là nơi cung cấp nguồn vật liệu xây dựng tương đối lớn cho các công trình; là vấn đề về thời gian hợp đồng đã ký giữa các xã với các chủ lò gạch (có hợp đồng là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm, 30 năm); là truyền thống mang tính lịch sử, xét ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Vì thế, việc xóa bỏ lò gạch thủ công cần có cả một quá trình, thời gian và phải xác định rõ rằng việc xóa bỏ lò gạch thủ công, có thể có lò xóa bỏ nhanh, có lò muộn hơn căn cứ vào thời hạn hợp đồng, chứ không thể làm ồ ạt...".


Từ trao đổi của một số huyện, chủ lò gạch và người lao động, một tín hiệu đáng mừng là tất cả đều rất sẵn sàng ủng hộ chủ trương của Chính phủ, của tỉnh. Vấn đề là tỉnh cần ban hành văn bản chỉ đạo mang tính quyết liệt hơn và có kế hoạch, lộ trình, cơ chế và chế tài cụ thể.

Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các chủ lò gạch chuyển đổi công nghệ sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ người lao động có cơ hội tìm việc làm mới. Mặt khác, tỉnh cũng nên có chính sách nhằm động viên, khuyến khích các chủ lò thủ công xóa bỏ, bởi theo như các chủ lò gạch, để đầu tư xây dựng một lò gạch thủ công kinh phí bỏ ra khoảng 600 - 800 triệu đồng, có lò lên tới trên 1 tỷ đồng, khi xóa bỏ thì sẽ mất một nguồn lực tài chính khá lớn.


Tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện đẩy mạnh các dự án sản xuất gạch ngói bằng công nghệ tiên tiến lò đứng liên hoàn hoặc tuynel; dự án sản xuất gạch không nung; đồng thời đầu tư nâng công suất các lò tuynel hiện có.

Có như vậy mới có thể bù đắp, thay thế sản lượng thiếu hụt khi các lò thủ công đồng loạt ngừng hoạt động, tránh tình trạng giá gạch, ngói bị đẩy lên quá cao khi "cầu" lớn hơn "cung". Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi dần thói quen sử dụng gạch nung thủ công chuyển sang sử dụng gạch không nung đạt tiêu chuẩn Việt Nam.


Mai Hoa