Cách Moscow một giờ lái xe, nằm giữa khu rừng bạch dương mà không có biển chỉ đường là trung tâm đào tạo phi hành gia Star City.
 
 
images1414924_9.jpgTim Peake đang đến giai đoạn đào tạo cuối. Ảnh: BBC
Theo BBC, trung tâm gồm nhiều tòa nhà bê tông xám, có bề dày lịch sử đáng kinh ngạc. Star City được thành lập năm 1961, thời điểm đánh dấu sự thành công rực rỡ của Liên Xô khi Yuri Gararin trở thành người đầu tiên bay vào quỹ đạo. Star City cũng là nơi đào tạo những phi hành gia tên tuổi khác như Valentina Tereshkova – người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian, Alexei Leonov – người đầu tiên sống trên trạm không gian Mir của Nga.
 
Trung tâm được trang trí bằng một chiếc máy bay chiến đấu cổ xưa chứ không phải là một tên lửa hiện đại. Các hành lang được lót bằng hình ảnh các thế hệ phi hành gia đã từng học tại đây.
 
Star City là nơi đào tạo nhiều phi hành gia trong nhiều năm qua. Hiện đang có ít nhất hai phi hành người Mỹ và phi hành gia người Anh Tim Peake chăm chỉ hoàn thành khóa huấn luyện.
 
Đại sảnh rộng lớn của khu huấn luyện đặt các thiết bị mô phỏng hệ thống phóng viên nang của tàu Soyuz. Tim Peak cùng hai đồng nghiệp là Yuri Malenchenko và Tim Kopra đã sử dụng các thiết bị này trong buổi huấn luyện cuối cùng trước khi bay vào không gian tháng tới.
 
 
Star City có thiết bị mô phỏng các khoang riêng biệt trên ISS với kích thước như thật. Ảnh: BBC
Ở phòng điều khiển, những gương mặt nghiêm túc đang tạo ra bài kiểm tra với hơn 10 trường hợp khẩn cấp khác nhau có thể xảy ra trong không gian trong vòng ba giờ.
 
Malenchenko chưa từng thất bại trước một bài kiểm tra và lần nào anh cũng đổ bộ thành công dù rất nhiều lỗi chức năng và báo động liên tiếp xảy ra. Malenchenko cũng là người đầu tiên trên thế giới kết hôn từ xa trong không gian vào năm 2003 khi vợ anh ở Texas và anh đang ở trên quỹ đạo New Zealand.
 
Ở gian phòng rộng lớn tiếp theo chứa các thiết bị mô phỏng khoang làm việc của Nga trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Kể từ khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) giải tán chương trình tàu con thoi năm 2011, bất kì chuyến bay vào không gian nào có người lái đều cần đến tên lửa đẩy Soyuz của Nga.
 
Ngay cả trước khi kỷ nguyên tàu con thoi kết thúc, các phi hành gia Mỹ cũng được đưa đến Star City để đào tạo. Tuy nhiên, động cơ thực chất là tìm cách thúc đẩy việc chia sẻ nỗ lực bay vào không gian. Vì thế người Mỹ bay trên Soyuz, người Nga dùng tàu con thoi và cả hai cùng bắt tay xây dựng ISS, tượng đài biểu trưng cho sự hợp tác sau Chiến tranh Lạnh.
 
Trong những chuyến du hành vũ trụ trong nhiều năm qua, với những ghi nhận về an toàn ngày càng được đảm bảo hơn và những chuyến đi được chuẩn bị trong nhiều thập kỷ, Nga luôn hiện diện trong mỗi chuyến du hành. Có một sự thật rất rõ ràng và không chối bỏ được: Nga hiện sở hữu phương tiện duy nhất đưa con người bay vào quỹ đạo - tên lửa đẩy Soyuz.
 
Theo VnExpress