(Baonghean.vn) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, không ít vụ vỡ phường, hụi đã xảy ra trong thời gian gần đây. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn vì hám lợi trước mắt, nhẹ dạ cả tin và cuối cùng phải nhận cái kết "đắng".
» Nghệ An: Hàng trăm người dân hoang mang vì vỡ hụi
1. Vỡ hụi 8 tỷ đồng ở Diễn Châu
Tháng 9/2016, khi hay tin “chủ hụi” Trần Thị Soa (xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu) bị vỡ nợ, hàng trăm tiểu thương chợ Diễn Thành đã đến vây quanh ngôi nhà bà Soa để đòi nợ. Trong lúc bức xúc, các chủ nợ đã lấy đi toàn bộ tài sản và đập phá nhà của vợ chồng bà Soa, rồi viết đơn trình báo lên cơ quan công an.
Được biết,, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 16/9/2016, bà Soa làm chủ phường và tham gia chơi phường với hơn 100 người trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu còn làm rõ, nạn nhân của vợ chồng bà Soa không chỉ có bà con tiểu thương tại chợ Phủ Diễn mà ở địa bàn các xã lân cận như Diễn An, Diễn Thịnh, Diễn Ngọc, Diễn Kỷ… với số tiền vỡ hụi lên đến 8 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công an huyện Diễn Châu, bản chất của việc thu gom phường, hụi ở các chợ và trong nhân dân là tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự, cơ quan Công an cũng như chính quyền địa phương không nắm được. Chỉ khi vỡ lở, các nạn nhân mới trình báo chính quyền và cơ quan Công an.
2. Vỡ hụi hàng chục tỷ đồng ở Yên Thành
Tháng 11/2016, hàng chục người dân tại huyện Yên Thành rơi vào cảnh điêu đứng khi một người trong hội phường hụi ôm tiền bỏ trốn khỏi địa phương. Sau đó, nhiều người bị hại đã làm đơn trình báo lên Công an huyện với số tiền lên tới trên 35 tỷ đồng.
Theo trình bày của các bị hại, lợi dụng sự quen biết, tin tưởng nên bà Phan Thị Thương (SN 1975, xóm 7, xã Liên Thành, Yên Thành) và bà Phan Thị Dung (xóm 7, Diễn Thái, Diễn Châu) đã tổ chức, lôi kéo hàng chục người tham gia chơi phường hụi. Phường hụi lập ra do bà Dung làm chủ phường.
Trải qua quá trình ngắn, sau khi huy động được hàng chục người tham gia đóng tiền vào hụi, khoảng trung tuần tháng 10/2016, bà Thương và bà Dung đã ôm hàng chục tỷ đồng rời khỏi nơi cư trú một cách bất thường.
Trong khi cơ quan Công an nhận được đơn thư của người dân, đang xác minh nội dung thì cuối tháng 10/2016 vừa qua bà Thương và bà Dung lại bất ngờ có mặt tại nơi cư trú. Biết được thông tin, nhiều người dân chạy đôn chạy đáo, chờ chực tại nhà hai đối tượng này yêu cầu trả tiền, tuy nhiên, trước sức ép bắt trả tiền của người dân, hai bà này lại tuyên bố vỡ nợ, hết khả năng trả tiền cho người dân.
3. Vỡ hụi tiền tỷ ở Đô Lương
Tháng 12/2016, nhiều người dân tại các xã Trù Sơn, Đại Sơn, Mỹ Sơn và Hiến Sơn (huyện Đô Lương) đã trình báo lên cơ quan công an về vụ vỡ hụi xảy ra trên địa bàn, tố cáo bà Nguyễn Thị Nhung (37 tuổi, xã Đại Sơn) vay nợ, không chịu đóng tiền hụi.
Theo đơn tố cáo, hơn một năm trước, bà Nhung xin tham gia vào phường hụi do bà Nguyễn Thị Hồng (49 tuổi, xóm 10, xã Trù Sơn), làm chủ. Phường hụi này gồm gần 120 thành viên ở 4 xã Trù Sơn, Đại Sơn, Hiến Sơn và Mỹ Sơn tham gia. Thời gian đầu, bà Nhung giao nộp phường đầy đủ. Tuy nhiên, đến tháng 8 vừa qua, sau khi bốc phường lấy số tiền hơn 2 tỷ đồng, bà Nhung lại rút.
“Khi các hộ khác đến lượt bốc thì bà Nhung không chịu trả nợ. Trừ khoản trước đó đã đóng vào phường theo định kỳ thì số tiền mà bà Nhung đã chiếm dụng của các thành viên là hơn 1,2 tỷ đồng”, chủ phường nói và cho hay, đã nhiều lần các thành viên tổ chức họp và thống nhất đến nhà đòi tiền nhưng bà Nhung cố tình không trả và còn thách thức, thậm chí người nhà bà này còn cầm gậy hành hung, đe dọa họ.
Đây là lần thứ 3 trong vòng một năm, phường hụi do bà Hồng làm chủ bị vỡ. Tổng số tiền của 3 lần này lên đến hơn 7 tỷ đồng.
4. Vỡ hụi ở quê nghèo Thanh Chương
Mới đây, tháng 8/2017, hàng trăm người dân nghèo ở huyện Thanh Chương góp tiền cho chủ hụi vay để lấy tiền lãi bỗng nhiên hoang mang khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, không có tiền trả.
Chủ hụi là bà Trần Thị Oanh, trú xóm 5, xã Thanh Mỹ. Do sẵn có mối thân quen với các tiểu thương, bà Oanh huy động chung phường từ các tiểu thương ở chợ góp cho mình và trả tiền lãi. Dần dần, thấy tiền lãi cao, nhiều người dân khác cũng tham gia chung hụi.
Địa điểm này đã có từ gần chục năm nay, người dân rất tin tưởng nên bao nhiêu tài sản tích góp được đổ dồn vào đó để lấy lãi, hầu hết đều thỏa thuận miệng hoặc giấy tờ rất sơ sài.
Cho đến đầu tháng 8/2017, bà Oanh tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng thanh toán, khiến hàng trăm người dân hết sức hoang mang. Theo người dân, so với số tiền 8 tỷ đồng và 100 người viết đơn khiếu kiện thì thực tế còn lớn hơn nhiều.
PV (Tổng hợp)