(Trích tham luận tại Hội nghị của đồng chí Nguyễn Xuân Đường-Phó Bí thư-Chủ tịch UBND tỉnh)
(Baonghean) - ...Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất. Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, gần 16.500 km2 (chiếm 32% diện tích Bắc Trung bộ), dân số 3,1 triệu người, đứng thứ 4 Việt Nam (chiếm khoảng 30% dân số Bắc Trung bộ).
Nghệ An có đường biên giới với nước bạn Lào dài nhất cả nước 419 km, với 4 cửa khẩu, có rừng quốc gia Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt là khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á, có tiềm năng du lịch với bãi biển đẹp và nhiều tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực dồi dào.
Cơ sở hạ tầng tốt, có sân bay, có cảng quốc tế Cửa Lò và hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi cho việc đầu tư phát triển. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An tiếp tục được cải thiện, năm 2014 đã tăng 18 bậc, thuộc nhóm khá, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước.
Kết quả thu hút đầu tư vào Nghệ An có bước phát triển vượt bậc, bình quân hàng năm thu hút khoảng 1 tỷ đô la Mỹ, góp phần tăng thu ngân sách 3 năm gần đây với mỗi năm tăng 1.000 tỷ đồng; giải quyết được nhiều lao động.
Đặc biệt, Nghệ An đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 về phương hướng và nhiệm vụ phát triển đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay Nghệ An nói riêng và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ nói chung vẫn là những tỉnh nghèo, thực trạng thu hút đầu tư của các tỉnh trong khu vực vẫn còn hạn chế so với các vùng kinh tế khác trong cả nước. Theo chúng tôi, khu vực Bắc Trung bộ đang đối mặt với những thách thức, khó khăn do có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp; mức độ chênh lệch về kinh tế, dân trí, về cơ hội phát triển giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân tộc là khá lớn. Khu vực miền núi phía Tây của các tỉnh, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số là những huyện nghèo, xã nghèo, xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện đi lại, giao thương hạn chế; lực lượng lao động trong vùng khá dồi dào, giá thành lao động rẻ, nhưng lại hạn chế về tay nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Bên cạnh đó đây cũng là khu vực thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra. Đặc biệt, sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực đối với phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Diễn đàn Chương trình ”Gặp gỡ Địa phương - Ngoại giao đoàn” vùng Bắc Trung bộ 2015 là dịp hết sức quan trọng để các địa phương trong vùng xích lại gần nhau hơn, gắn bó và phối hợp chặt chẽ hơn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng. Quá trình liên kết vùng là hướng đi đúng và cần thiết. Liên kết vùng sẽ tạo nên mối quan hệ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Nếu các tỉnh, thành trong vùng có sự liên kết chặt chẽ, chắc chắn sẽ phát triển bền vững. Với tinh thần đó, tỉnh Nghệ An đề xuất một số giải pháp để các địa phương trong vùng cùng đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ nhất, các tỉnh trong khu vực tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 25-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2020. Trên cơ sở các quy định của Trung ương, các tỉnh cần thảo luận, thống nhất một số cơ chế, giải pháp thu hút đầu tư chung cho cả vùng, có tính đến yếu tố lợi thế so sánh, thế mạnh của từng tỉnh; mục tiêu là tạo ra môi trường thuận lợi để các địa phương đều có cơ hội phát huy cao nhất các thế mạnh của mình, có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển.
Thứ hai, phối hợp, ưu tiên vốn đầu tư các công trình giao thông liên vùng như hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; đường cao tốc, đường ven biển. Phối hợp đầu tư, quản lý, vận hành một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dùng chung như sân bay, cảng biển, bệnh viện, trường học; công trình xử lý môi trường... nhằm giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ ba, liên kết vùng trong phát triển du lịch, dịch vụ là một thế mạnh tiềm năng của vùng nhưng lâu nay chưa được chú trọng khai thác. Vùng có nhiều điểm tham quan nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, nhiều lễ hội, công trình văn hóa rất đa dạng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng tỉnh và cho cả vùng. Các tỉnh cần bàn thảo giải pháp liên kết để hình thành các chuỗi sự kiện, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả lợi thế này; thay vì quảng bá, giới thiệu lợi thế của từng tỉnh, các tỉnh cùng phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ của cả vùng thì sức hấp dẫn sẽ được gia tăng.
Thứ tư, trong vùng có nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo lớn có uy tín, chất lượng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực nói chung được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Điều này đòi hỏi các tỉnh, thành cần chỉ đạo các trung tâm đào tạo phối hợp và hỗ trợ thiết thực trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao, có khả năng sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ năm, đối với Nghệ An với vị trí là tỉnh trung tâm của khu vực, hội tụ khá đầy đủ các điều kiện tự nhiên và xã hội, chúng tôi rất mong muốn và có nhu cầu liên kết, hợp tác với các tỉnh, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có thế mạnh với mục tiêu tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu xây dựng Nghệ An là trung tâm về tài chính, thương mại, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quyết định 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Nghệ An xem việc liên kết vùng, nâng cao sức cạnh tranh của vùng là một trong những nội dung quan trọng, tạo sức mạnh chung để từ đó các địa phương phát huy lợi thế của mình trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển trong các lĩnh vực có thế mạnh. Hy vọng mối quan hệ hợp tác và sự liên kết giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ ngày càng được phát huy một cách có hiệu quả, góp phần đưa Bắc Trung bộ trở thành khu vực phát triển năng động, bền vững...