(Baonghean) - Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã có những mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa người nông dân với nhau. Kết quả đã tạo ra được chuỗi sản xuất thống nhất, gắn trách nhiệm người dân với sản phẩm. Vì vậy, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, khách hàng yên tâm sử dụng nên đầu ra được ổn định, lợi nhuận của nông dân được nâng lên. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này vẫn gặp không ít khó khăn.  
 
images1052602_chan_nuoi_ga.jpgMô hình chăn nuôi gà theo VietGAP của ông Lê Văn Sáu ở xóm 8, xã Diễn Trung (Diễn Châu).
 
Với 2 trang trại chăn nuôi gà đẻ khoảng 4.000 con/lứa, ông Lê Văn Sáu ở xóm 8, xã Diễn Trung (Diễn Châu) khi nghe thông tin Dự án LIFSAP sẽ được triển khai xây dựng tại địa phương đã “nhanh chân” đăng ký tham gia. Nhờ được dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi gà tiên tiến nên trại gà của ông đã không bị dịch bệnh, thu nhập ổn định. Ông Lê Văn Sáu chia sẻ: “Khi tham gia dự án, điều đáng mừng nhất là 20 hộ chăn nuôi gà trong xã đã thiết lập thành một nhóm chăn nuôi theo quy trình VietGap để cùng liên kết sản xuất. Chúng tôi có kế hoạch phân kỳ thời gian chăn nuôi theo từng lứa, đảm bảo một số lượng cung cấp nhất định để làm hợp đồng trực tiếp với các đơn vị nhập hàng, bỏ qua được khâu trung gian nên lợi nhuận cao hơn, nguồn nhập hàng cũng ổn định. Mặt khác, khi lập thành nhóm, chúng tôi đã mua được nguồn con giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng. Nguồn thức ăn cũng mua được với giá rẻ hơn so với ngoài thị trường bởi nhập hàng với số lượng lớn, như ở thời điểm vừa rồi, giá bán lẻ cám tổng hợp nhãn hiệu New Hope, AF của Hoa Kỳ là 248.000 đồng/bao 10kg, còn nhóm chăn nuôi chúng tôi mua với giá 239.000 đồng... Đây là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi mạnh dạn duy trì, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập”.
 
Từ năm 2012 đến nay, tại xã Diễn Hoa (Diễn Châu), nhiều hộ tham gia dự án trồng rau xanh chất lượng cao trên diện tích là 2 ha cung cấp cho Nhà máy may Namsung Vina và cụm công nghiệp nhỏ Tháp - Hồng - Kỷ. Đây là cách làm hay bởi không những nâng cao giá trị, thương hiệu uy tín của sản phẩm rau sạch mà còn gắn được trách nhiệm của người trồng rau với sản phẩm và có đầu ra ổn định. Hơn 2 năm, tham gia vào dự án, gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm 3 đã được cán bộ phòng Nông nghiệp huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chọn giống rau, quy trình chăm sóc, ghi chép số liệu cụ thể trong quá trình sản xuất. Với 3 sào trồng rau muống trong thời gian thu hoạch kéo dài 6 - 9 tháng/năm, mỗi tháng chị cung cấp cho nhà máy may với khối lượng hơn 1 tấn; ở diện tích 2 sào rau cải, rau mùng tơi cũng cung cấp được cho nhà máy mỗi tháng 1,3 - 1,5 tấn nên có nguồn thu nhập khá. Theo hướng đầu tư phát triển của Nhà máy Namsung Vina, đến năm 2015 khi thực hiện giai đoạn 2 sẽ thu hút thêm khoảng 4.000 lao động. Vì vậy, xã đã lên kế hoạch đưa vùng trồng rau xanh an toàn chất lượng cao từ 2 ha lên khoảng 5 ha để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho doanh nghiệp.
 
Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết xây dựng vùng rau xanh an toàn chất lượng cao cung cấp cho Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy Em - Tech cũng là cách làm mới của người nông dân Nam Xuân (Nam Đàn) và đang đón nhận những kết quả bước đầu khá tích cực. Hiện tại, mỗi ngày bếp ăn tập thể của cả 2 nhà máy trên đang phục vụ hơn 4.000 suất ăn chính cho công nhân, tiêu thụ cho vùng sản xuất rau an toàn Nam Xuân bình quân từ 180 - 220 kg rau mùng tơi, rau ngót, bí xanh, dưa chuột…
 
Ông Nguyễn Quang Đại - Chủ tịch Hiệp hội trang trại Nam Đàn, và cũng là người thành lập “Tổ hợp tác sản xuất rau sạch” đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho hay: “Từ năm 2013, nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới cấp 200 triệu đồng để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap tại xã Nam Xuân. Chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác sản xuất rau xanh an toàn có 7 hộ tham gia trên diện tích 2 ha với hơn 10 chủng loại rau, củ, quả các loại... Ngoài việc cung ứng sản phẩm theo nhu cầu thực đơn hàng ngày cho 2 công ty nói trên, năm 2014 chúng tôi cũng đã được Nhà máy dệt may Hoàng Thị Loan đóng trên địa bàn huyện và một số nhà máy công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đặt vấn đề hợp tác cung cấp nguồn rau sạch. Khi hợp đồng được ký kết, số lượng rau củ quả đáp ứng đủ nhu cầu cho doanh nghiệp là cần khoảng 600kg/ ngày, vì thế, các năm tiếp theo tôi sẽ vận động bà con mở rộng vùng trồng rau an toàn lên diện tích trên 10 ha...”.
 
Những mô hình liên kết sản xuất như trên đã khẳng định được hiệu quả cũng như triển vọng phát tiển trong tương lai. Tuy nhiên, ở tỉnh ta việc tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, mặc dù Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này đã thực hiện từ hơn chục năm qua. Nguyên nhân là do tập quán sản xuất, nhận thức, năng lực về việc tìm đầu ra cho nông sản còn hạn chế nên phần lớn nông dân phó mặc việc tiêu thụ nông sản cho tư thương, tiểu thương. Mặt khác, tại một số nơi dù có liên kết với doanh nghiệp nhưng sự gắn kết giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, với người nông dân còn chưa chặt chẽ, tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng vẫn diễn ra.
 
Minh chứng cho điều đó là vụ xuân 2014, 72 hộ dân xã Khánh Sơn (Nam Đàn) trồng 7,2 ha ớt giống GB17615.3-2010 do Công ty TNHH Thực nghiệp Dục Dã Thượng Hải (Trung Quốc) cung cấp. Theo hợp đồng kinh tế về liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt với UBND xã Khánh Sơn, phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ớt tươi cho người trồng. Nhưng đến thời điểm thu hoạch ớt, đại diện công ty chỉ đến gom hàng vài lần với số lượng rất ít. Và sau đó đối tác “chạy làng”, không quay lại thu mua nữa. Cũng trong vụ xuân năm nay, Công ty CP Đầu tư Phát triển Stevia Á Châu đã triển khai mô hình trồng ớt, bí đỏ tại xã Thanh Khê (Thanh Chương), xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn). Theo hợp đồng cam kết, phía doanh nghiệp sẽ bao tiêu đầu ra nhưng đến kỳ thu hoạch sản phẩm người dân bán được đã ít còn bị doanh nghiệp thanh toán nhỏ giọt, khất lần tiền nợ hết lần này đến lần khác… Như vậy, có thể khẳng định lợi ích của việc liên kết theo chuỗi giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước những tồn tại đặt ra, đòi hỏi các ngành liên quan cần có giải pháp cụ thể để vừa khuyến khích phát triển, vừa đảm bảo tính bền vững cho những mô hình liên kết.
 
 
Ngọc Anh