(Baonghean) - Hình dung, trên bản đồ phát triển mạng lưới giao thông của Nghệ An có 9 nét vẽ màu đỏ đậm là ký hiệu Quốc lộ - hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh; đan nối vào đó hàng trăm nét vẽ màu xanh là tỉnh lộ; màu nâu đất là đường huyện, đường xã… Với sự nỗ lực đầu tư của các cấp, ngành và của người dân, thì hàng năm những nét vẽ đa sắc màu ấy lại tiếp tục được nối dài thêm... Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì hệ thống giao thông Nghệ An vẫn chưa đảm bảo được tính đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh.
 
Bài 1: Bức tranh toàn cảnh 
 
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ở Nghệ An, nhưng để có hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh dài đến 17.726 km, thì nguồn vốn là rất lớn. Tuy chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, nhưng với kết quả  đạt được từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, các tổ chức quốc tế, của người dân trong việc phát triển hệ thống giao thông, thì đây rõ ràng là gam màu sáng trong bức tranh về giao thông ở tỉnh Nghệ An.
 
images1052561_tuyen_duong_7b.jpgTuyến đường 7B từ Thị trấn Mường Xén đi Mường Ải bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nhật Lân
 
Trên địa bàn Nghệ An có 9 tuyến quốc lộ. Bộ Giao thông – Vận tải đã giao trách nhiệm cho Cục Quản lý đường bộ II quản lý 6 tuyến gồm các quốc lộ: 1, 7, 46, 46B, 48C, đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 680,6 km; Sở Giao thông – Vận tải quản lý 3 tuyến gồm các quốc lộ: 15A, 48 và 48B với tổng chiều dài 330 km. Cộng lại tổng chiều dài của quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh là 1.080 km. Những tuyến đường này có kết cấu mặt đường khá tốt, chủ yếu là mặt đường nhựa, chỉ duy nhất tại tuyến Quốc lộ 15A đoạn Đông Hiếu – Thị trấn Tân Kỳ có gần 22 km đường đất, cấp phối. Góp phần làm phong phú thêm trong hệ thống đường giao thông ở tỉnh ta là 244 tuyến đường đô thị (do thành phố, thị xã, phường, doanh nghiệp quản lý), những tuyến đường này phần lớn được rải nhựa, bê tông xi măng, đường cấp phối và 47 tuyến đường chuyên dùng có chiều dài 423 km phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu mía, chè, dứa…
 
Về 23 tuyến đường tỉnh có tổng chiều dài 758 km (trong đó có 110 km đường bê tông nhựa, 370 km đường láng nhựa, 278 km đường đá dăm, cấp phối) đã mở đến khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tuy nhiên cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Và khó khăn, phức tạp nhất vẫn là tình hình đầu tư phát triển hệ thống đường huyện, xã. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có đến 403 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 4.169 km, nhưng trong đó chỉ có 5,8 km đường được bê tông nhựa (chiếm 0,1%); 1.336 km đường đá dăm nhựa (chiếm 32%); 70 km đường bê tông xi măng (chiếm 1,7%); 967 km đường cấp phối (chiếm 23,2%) và 1.790 km đường đất (chiếm 43%). Thực trạng đáng lo ngại là hệ thống giao thông do huyện quản lý xuống cấp nhanh, chậm được sửa chữa; mà nguyên nhân do ngân sách khó khăn, thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu máy móc thiết bị, quản lý địa bàn rộng, thời tiết diễn biến phức tạp, xe quá khổ, quá tải hoạt động nhiều… Hệ thống giao thông của 480 xã trên toàn tỉnh có đến 451 tuyến đường với tổng chiều dài lên đến 10.206 km và trong đó có 65,5% là đường đất… Chưa nói, hiện còn 3 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm xã là Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông ở huyện Tương Dương; còn 10 xã ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… đã có đường vào trung tâm xã, nhưng chỉ đi được trong mùa khô; đặc biệt vẫn còn 65 bản, làng vùng sâu chỉ có đường mòn đi bộ. 
 
Trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống quốc lộ luôn được ưu tiên nhất. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta, các tuyến quốc lộ quan trọng thường xuyên được đầu tư quản lý, nâng cấp. Đặc biệt là dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh đang được thực hiện với quy mô đầu tư lớn. Tuy vậy, đối với các tuyến quốc lộ khác trên địa bàn, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp vẫn còn nhiều bất cập. Quốc lộ 48, được Sở Giao thông - Vận tải giao cho Công ty CP Quản lý và Xây dựng cầu đường Nghệ An quản lý. Tuyến đường này dài 170km (xuất phát từ Km 0 thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, kết thúc tại Km 160 biên giới Việt Lào thuộc xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) đi qua 7 huyện, thị miền núi thuộc vùng phía Tây Bắc của tỉnh.
 
Quốc lộ 48 có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế -  xã hội, quốc phòng, an ninh, thông thương vận tải hàng hóa giữa miền xuôi với các huyện miền núi (trong đó có huyện Quế Phong thuộc diện 30a) và củng cố quốc phòng biên giới Việt – Lào, cùng với đó đoạn Km 0 – Km 28 phục vụ giao thông phân luồng lên đường Hồ Chí Minh giảm tải cho Quốc lộ 1A. Từ năm 1996 - 2000, Quốc lộ 48 được đầu tư dự án nâng cấp từ mặt đường đất lên mặt đường nhựa (đoạn Km 64 – Km 122) và nâng cấp từ mặt đường láng nhựa lên mặt đường bê tông nhựa (đoạn Km0 – Km33). Dự án này khi chưa nghiệm thu thì tại nhiều đoạn mặt đường đã bị “lún cao su”, sống trâu, xuất hiện ổ gà, ổ voi… đơn vị thi công phải tiến hành xử lý nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận. Hiện nay, qua khảo sát cho thấy, trên toàn tuyến Quốc lộ 48 mặt đường đang xuống cấp. 
 
Khơi thông mương thoát nước trên Quốc lộ 48. Ảnh: HV
 
Ông Trương Đình Giá, người dân ở xóm 6, xã Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa) phản ánh: “Chúng tôi xây dựng nhà ở gần Dốc Lụi – Quốc lộ 48. Mấy năm nay cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở đây bị ảnh hưởng rất lớn do đường xuống cấp nghiêm trọng. Đường hẹp, dốc, bị đường sắt cắt ngang, đã vậy nền đường lại yếu, không được tu sửa kịp thời. Do đó, mùa nắng thì bụi mù mịt; mùa mưa thì lầy lội, nhão nhoẹt bùn. Đặc biệt thời gian gần đây do siết chặt kiểm soát xe quá khổ, quá tải, thì các loại xe này chuyển sang chạy vào ban đêm, gây tiếng ồn rất lớn”.
 
Lý giải về tình trạng này, ông Phạm Hồng Sửu – Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng cầu đường Nghệ An cho biết: “Do tuyến đường này xây dựng đã lâu, kết cấu mặt đường không phù hợp với nhu cầu khai thác, đã vậy lưu lượng xe tải trọng lớn hoạt động nhiều, trong khi đó nguồn vốn quản lý, bảo dưỡng thường xuyên không đáp ứng được so với yêu cầu thực tế cũng như tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành, dẫn đến mặt đường xuống cấp nhanh. Trong những năm qua, công ty đã cố gắng đầu tư kinh phí, máy móc, nhân lực để thực hiện một số hạng mục, công việc không có trong kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn giao thông”. Được biết, để đáp ứng cho công tác bảo dưỡng thường xuyên theo thực tế tại quốc lộ là từ 75 – 80 triệu đồng/km/năm, nhưng năm 2013 chỉ được cấp hơn 54,36 triệu đồng và năm 2014 cắt giảm 50% nên chỉ còn lại 28,37 triệu đồng. 
 
Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì thường xuyên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng là tình trạng chung trên nhiều tuyến đường các cấp. Tại Cục Quản lý đường bộ II, kinh phí dành cho công tác quản lý, bảo dưỡng 6 tuyến quốc lộ có chiều dài 680,6 km năm 2013 là 116 tỷ 274 triệu đồng; năm 2014 là 184 tỷ 63 triệu đồng, trong đó kinh phí bảo dưỡng thường xuyên bình quân là 33,4 triệu đồng/km/năm giảm 44% so với năm 2013… Tại hệ thống quốc lộ, đường tỉnh do Sở Giao thông – Vận tải quản lý, nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo dưỡng, duy tu cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn Huệ - Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: “Năm 2013, tổng kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông là 92 tỷ 495 triệu đồng và năm 2014 là 122 tỷ 32 triệu đồng; trong đó kinh phí bảo dưỡng thường xuyên của quốc lộ là hơn 27 triệu đồng/km/năm giảm hơn 48% so với năm 2013 và đường tỉnh là gần 25 triệu đồng/km/năm giảm 5,5%... Chỉ có phần kinh phí sửa chữa định kỳ của quốc lộ là tăng 64% và đường tỉnh là 204% (do phí sử dụng đường bộ thu được từ xe ô tô, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ cho địa phương 35% là 19 tỷ 600 triệu đồng).
 
Đối với tuyến đường huyện, đường xã thì từ khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ đến nay, đã hỗ trợ 72 tỷ 800 triệu đồng cho quản lý, bảo trì; cùng với đó đầu tư, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho một số huyện bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa nền, mặt đường… Nhưng so với nhu cầu thực tế thì đó chỉ là “muối bỏ bể”. Còn nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của các huyện cho công tác quản lý, bảo trì đường giao thông vẫn chưa phù hợp. Hiện chỉ có 10 huyện, thị của tỉnh bố trí được từ 700 triệu đồng đến 2 tỷ đồng cho việc bảo dưỡng thường xuyên và từ 300 – 500 triệu đồng cho đường xã. Như vậy, nguồn vốn đầu tư bảo dưỡng thường xuyên giành cho hệ thống quốc lộ bị cắt giảm nhiều và tuyến đường tỉnh cũng gặp khó khăn do ngân sách tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20 – 30% so với yêu cầu… nên công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn”. 
 
Như vậy, kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Nghệ An, nhất là hệ thống đường do địa phương quản lý vốn đã thiếu, nay đang ngày càng “co” lại; trong khi đó, hàng ngày rất nhiều tuyến đường ở địa bàn tỉnh ta vẫn phải oằn mình “gánh” những chuyến xe quá khổ, quá tải khiến tình trạng đường xuống cấp trầm trọng hơn... 
 
(còn nữa)
Hoàng Vĩnh - Văn Trường