Ngày 23-10, CNN cho biết chính phủ chuyển tiếp của Libya tuyên bố đất nước đã “hoàn toàn được giải phóng” và kêu gọi người dân Libya sẵn sàng cho công cuộc hòa giải dân tộc.

Phát biểu trước hàng nghìn người dân cuồng nhiệt tại quảng trường thành phố Benghazi, cũng chính là nơi bắt đầu cuộc nổi dậy tại Libya, lãnh đạo Mustafa Abdul Jalil của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) tuyên bố: “Đất nước Libya đã hoàn toàn được giải phóng. Giờ đây chúng ta đã thống nhất như những người anh em”.

769589_small_67475.jpeg

Ông Jalil cũng kêu gọi mỗi người dân Libya “tha thứ, chấp nhận và hòa giải”  vì tương lai Libya. Ông cho biết luật Hồi giáo sẽ là nền tảng cho bộ luật của đất nước Libya mới.

Đứng trước nhiệm vụ xây dựng xã hội Libya mới thời hậu Gaddafi, NTC tuyên bố sẽ tiến hành tổng tuyển cử sớm. Lãnh đạo Mahmoud Jibril khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong vòng 8 tháng tới. Quốc hội được bầu sẽ soạn ra bản hiến pháp mới và thành lập chính phủ lâm thời, theo sau đó là cuộc bầu cử Tổng thống.

Một tín hiệu lạc quan, theo ông Jibril, là việc sản lượng dầu của Libya đã đạt mức 300.000 thùng/ngày sau thời gian phải ngừng hẳn khai thác do chiến tranh. Lãnh đạo NTC cho rằng Libya sẽ đạt được sản lượng trước chiến tranh là 1,6 triệu thùng/ngày trong vòng 15 tháng tới.

Tuy nhiên tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cho biết đã ghi nhận khoảng 7.000 người bị giam cầm ở nhiều địa điểm khác nhau tại Libya sau chiến tranh, trong khi khoảng 30.000 người đã mất nhà cửa, nhiều thành phố bị bỏ hoang do hậu quả chiến tranh.

Các lãnh đạo phương Tây đã phản ứng tích cực trước tuyên bố của NTC. Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng chúc mừng về một “kỷ nguyên mới” cho người dân Libya, trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague gọi đây là  “thắng lợi lịch sử” của Libya.

Tổng thư ký NATO Rasmussen cũng hoan nghênh tuyên bố giải phóng của NTC, nhưng khẳng định NATO sẽ “sẵn sàng phản ứng với những mối đe dọa nhắm vào dân thường, khi cần thiết”.

Tiếp tục nghi vấn quanh cái chết của Gaddafi

Hiện Mỹ, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục kêu gọi mở cuộc điều tra nguyên nhân cái chết của cựu Tổng thống Gaddafi.

Hình ảnh video cho thấy ông này đã bị bắt sống, nhưng các lãnh đạo quân nổi dậy nói Gaddafi bị giết bởi đạn lạc sau đó. Lãnh đạo NTC Mahmoud Jibril trước đó khẳng định ưu tiên hàng đầu của quân nổi dậy là bắt sống Gaddafi để xét xử.

Khám nghiệm tử thi ngày 23-10 cho thấy ông Gaddafi chết vì một viên đạn vào đầu, BBC dẫn nguồn giới chức y tế.

(Theo Tuổi trẻ)