Tại hội nghị quốc phòng ASEAN, đề xuất về một cơ chế Đối thoại cấp bộ trưởng các nước ASEAN về an ninh Biển Đông đã được đưa ra.
Bên đưa ra ý tưởng này là Philippines. Đề xuất sẽ được các trưởng đoàn quốc phòng ASEAN xem xét.
Cũng tại hội nghị (ADMM Hẹp) ở Bali diễn ra hôm qua, Việt Nam đã thông báo nội dung Thỏa thuận những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tham dự ADMM có bộ trưởng và đại diện của bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN và tổng thư ký ASEAN. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại ADMM Hẹp, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khẳng định Việt Nam đã và sẽ tích cực hợp tác với các nước ASEAN, các quốc gia đối tác cũng như cộng đồng thế giới nhằm xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nêu rõ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, thông báo với các nước ASEAN về nội dung Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, được Việt Nam và Trung Quốc ký kết nhân dịp chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua.
Các nước đều đánh giá cao tinh thần độc lập tự chủ, nhưng cũng hết sức có trách nhiệm trong khu vực, yêu chuộng hòa bình và những nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác với các bên có liên quan, đặc biệt với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định chung tại khu vực.
Hội nghị đã đánh giá các hoạt động hợp tác quốc phòng-an ninh trong năm 2011 và đề xuất phương hướng hợp tác tiếp theo; đồng thời trao đổi các vấn đề an ninh khu vực mà các nước ASEAN cùng quan tâm. Người đứng đầu Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) của Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN, đã trình bày bản Báo cáo kết quả các hoạt động hợp tác quốc phòng - quân sự đa phương năm 2011.
Hội nghị cũng đã xem xét việc đề xuất rút ngắn thời gian họp Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) từ 3 năm/lần như hiện nay xuống 2 năm hoặc 1 năm/lần nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của ADMM+ trong tương lai.
Nhiệm vụ này được giao lại cho Campuchia, nước Chủ tịch ADMM vào năm 2012 tiếp tục thực hiện.
Trong phần trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh khu vực, các nước đều nhìn nhận một thách thức đang nổi lên đó là thảm họa thiên tai, làm cho hàng chục triệu người tại các quốc gia Đông Nam Á lâm vào tình cảnh rất khó khăn như ở Thái Lan, Campuchia, Philippines, Việt Nam…
Vấn đề an ninh biển cũng là mối quan tâm lớn của tất cả các quốc gia trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đều thể hiện mong muốn xây dựng Biển Đông trở thành khu vực biển hòa bình, hợp tác và phát triển, giải quyết mọi tranh chấp trên nguyên tắc đàm phán hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và theo tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đưa ra sáng kiến tổ chức Đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về an ninh Biển Đông, để các Trưởng đoàn ADMM nghiên cứu, xem xét.