Liên hợp quốc, Liên minh quốc tế các khoa học và các nhà môi trường thế giới cùng thúc đẩy cuộc vận đồng toàn cầu tiến tới Tuyên bố phổ quát toàn cầu về các quyền của Mẹ Trái Đất.

Phát biểu ngày 29/5 của Phó Tổng Thư ký thường trực của Liên hợp quốc, bà Asha-Rose Migiro, nhấn mạnh mặc dù chưa phải là quá muộn, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều để thay đổi tiến trình và cải thiện các quan hệ giữa nhân loại với Mẹ Trái Đất.

765887_small_63315.jpg
 Ảnh minh họa: Internet

Trong khi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đang phải đương đầu với tình trạng biến đổi khí hậu, tầng ôzôn bị phá hủy, nguồn nước ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa..., cuộc vận động tiến tới Tuyên bố phổ quát toàn cầu về các quyền của Mẹ Trái Đất càng trở nên cấp thiết và cần được tiếp thêm các động lực mới.

Maude Barlow, nhà lãnh đạo cuộc vận động toàn cầu này, cho rằng mục tiêu của cuộc vận động là làm cho Tuyên bố phổ quát toàn cầu về các quyền của Mẹ Trái Đất cùng song hành giá trị và hiệu lực như Tuyên bố phổ quát năm 1948 về quyền con người. Hai tuyên bố này cần phải là một trong những công ước định hướng phát triển của thời đại.

Cuộc đấu tranh để quyền của tự nhiên được thừa nhận và được ghi thành luật quốc tế hoàn toàn không dễ dàng và cũng như Tuyên bố phổ quát về quyền con người, đòi hỏi thời gian rất dài mới đạt được. Luật môi trường hiện nay đặt thương mại lên trên tự nhiên và như vậy đã hợp pháp hóa những hành động gây tổn hại hệ sinh thái.

Tháng 4/2011, nhóm các học giả và chuyên gia môi trường quốc tế đã công bố nghiên cứu “Các quyền của tự nhiên: Tuyên bố phổ quát về các quyền của Mẹ Trái Đất, tuyên ngôn đối với Trái Đất và công lý” khẳng định nhu cầu khẩn cấp về luật quốc tế hóa các quyền của Mẹ Trái Đất, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm thừa nhận quyền của tự nhiên, bảo vệ môi trường, cộng đồng và tương lai.

Cuối năm 2010, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu 192 nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm và phương thức nhằm tạo ra sự hài hóa với tự nhiên. Dự thảo Tuyên bố phổ quát toàn cầu về các quyền của Mẹ Trái Đất đã chính thức được trình Tổng Thư ký Liên hợp quốc tháng 5/2010.

Phó Tổng Thư ký thường trực của Liên hợp quốc Asha-Rose Migiro và nhà lãnh đạo cuộc vận động cho các quyền của tự nhiên khẳng định quyền của con người và quyền của Mẹ Trái Đất gắn kết chặt chẽ với nhau. Thúc đẩy phát triển con người và cộng đồng trước hết cần bảo vệ tự nhiên và thúc đầy sự bền vững.


Theo TTXVN