1. Độ mâm, độ lốp là gì?

13025639_1172018.jpg
Độ mâm và độ lốp là thay đổi kích thước (đường kính) nguyên bản của mâm và lốp nhằm cho chiếc xe trông hút mắt và hấp dẫn hơn với nhiều mẫu và kiểu dáng khác nhau. Hoặc giúp xe di chuyển dễ dàng trên những địa hình đặc biệt... 

Lốp là chi tiết duy nhất trên xe tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Bộ phận này đóng vai trò truyền lực kéo giúp xe di chuyển và hãm tốc khi phanh, nên phải đảm bảo độ bám. Ngoài ra, đây còn là một phần của hệ thống treo, đóng vai trò giảm chấn nên cũng phải có độ đàn hồi.

Mâm cho xe ô tô là lựa chọn được cho là đơn giản và thường xuyên của nhiều người khi muốn tạo cá tính cho “xế” .

2. Các chỉ số quan trọng trong việc độ mâm và lốp

- Đường kính mâm (Wheel Diameter): Chỉ số này được tính bằng đơn vị inch và cũng được điều chỉnh tăng lên theo từng inch một, ví dụ từ mâm 15″ lên 16″, 17″,.. 22″… Có một số loại mâm có đường kính lẻ như 16,5’’ nhưng nhìn chung là hiếm.

- Độ rộng của mâm (Wheel Width): Là khoảng cách giữa hai mép ngoài của mâm. Kích thước này thường tăng lên theo từng 1/2″ (tức là 7.5″, 8″).

- Wheel Center: Là đường chính giữa của mâm tính theo độ rộng.

- Offset: Là khoảng cách từ đường chính giữa mâm đến bề mặt tiếp xúc của mâm với trục bánh xe, chỉ số này được tính bằng đơn vị milimet. Đây là chỉ số rất quan trọng khi nâng cấp mâm lốp.

- Backspacing: Khoảng cách từ bề mặt tiếp xúc đến mép phía trong của mâm. Con số này có quan hệ chặt chẽ với offset (không cần đo cũng có thể tính gần  đúng chỉ số backspacing với công thức [Độ rộng mâm/2] + [Offset] + [khoảng 1/4″]).

- Centerbore: Centerbore của mâm là kích thước lỗ trống phía sau của mâm giúp đặt mâm ngay ngắn vào trục bánh xe. Lỗ trống này được tiện chính xác để vừa khít vào trục bánh xe giúp bánh ngay ngắn, giảm thiểu nguy cơ rung lắc.

- Bolt Circle: Vòng bulông, còn được gọi là PCD (Pattern Circle Diameter). Vòng bulông thể hiện đường kính của vòng tròn tưởng tượng đi qua điểm chính giữa của các lỗ lắp bulông.

Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm tới đường kính bánh xe và loại tắc kê (số lỗ bắt tắc kê để gắn bánh xe vào xe). Phần lớn các xe dùng loại tắc kê 4 x 100 (4 lỗ, đường kính 100mm).

3. Nguyên lí độ mâm và lốp xe 

Theo các chuyên gia, việc độ mâm và lốp phải có tỷ lệ nghịch, nếu tăng kích thước mâm thêm 1 inch thì phải giảm độ dày của lốp đi 1 inch. Khi đó, lốp xe mỏng và trải rộng làm tăng diện tích tiếp xúc của bánh xe và mặt đường giúp xe có độ bám đường tốt hơn.

Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng việc này vì lốp xe mỏng, độ bám đường tăng cao quá, hệ thống treo sẽ làm việc sai so với thiết kế ban đầu ảnh hưởng lớn đến độ an toàn của ô tô.

4. Những điều cần phải cân nhắc khi lên mâm, độ lốp
Để chiếc xe trông thể thao và bắt mắt hơn, những điều sau cần phải được cân nhắc:

- Lốp có thành mỏng hơn làm giảm biên độ đàn hồi, tăng tính thể thao với cảm nhận tốt hơn cho người lái, vào cua thú vị hơn và hệ thống treo mang lại cảm giác cứng cáp hơn, nhưng điều này cũng khiến cho xe xóc hơn.

- Thay lốp rộng hơn cần tính toán chọn lại tỷ lệ độ cao thành lốp so với bề rộng lốp sao cho đường kính tổng thể của bánh không thay đổi nhiều (loại mâm lúc này cũng sẽ phải thay đổi).

- Thay mâm lớn hơn cũng cần chọn lại lốp có thành lốp mỏng để không làm tăng đường kính ngoài của bánh.

- Kích thước lốp mới với đường kính ngoài quá lớn hoặc quá nhỏ so với lốp nguyên bản sẽ làm các hệ thống khác trên xe hoạt động sai lệch, như công tơ mét, chỉ số mức tiêu hao nhiên liệu, hộp số tự động, phanh ABS… Ngoài ra, nếu đường kính ngoài tổng thể của lốp tăng quá nhiều, lốp có thể bị cạ khoang bánh, đường kính ngoài quá nhỏ sẽ làm giảm khoảng sáng gầm xe.