(Baonghean) - Những lời cầu nguyện vẫn vang lên trên khắp đất nước Nam Phi khi mà hàng ngàn người đổ về quê cũ của cố Tổng thống Nelson Mandela để cùng nhau tưởng niệm người anh hùng của cuộc đấu tranh phá bỏ chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.
Nelson Mandela sinh năm 1918 ở Eastern Cape. Ông gia nhập Đại hội dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943, bước mở đầu cho cuộc đấu tranh đòi bình đẳng chủng tộc mà ông dành cả cuộc đời theo đuổi. Bị kết tội kích động, xuất cảnh bất hợp pháp và phá hoại, Mandela lãnh án tù chung thân cho đến khi được trả tự do vào năm 1990. Nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1993, ứng cử tổng thống vào năm 1994, cuộc đời và lý tưởng của ông đã trở thành biểu tượng của phong trào chống apartheid và là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ. Sau khi rút khỏi các hoạt động chính trị, ông theo đuổi các hoạt động nhân đạo, đặc biệt là các quỹ từ thiện vì người nhiễm HIV/AIDS - căn bệnh đã cướp đi con trai ông ở tuổi 55.
Sau khi xuất viện vào tháng 9 năm 2013, ông Mandela bắt đầu điều trị tại nhà bệnh phổi mãn tính. Ngay khi thông tin về việc ông qua đời lan ra vào 9 giờ tối thứ 5 ngày 5/12, dân chúng bắt đầu tụ hội ở đường Vilakazi, Soweto - nơi ông sống những thập niên 40 và 50. Bên ngoài căn nhà của ông ở ngoại ô Johannesburg phía Bắc Houghton, cũng là nơi ông trải qua những ngày tháng cuối đời, hàng trăm người quần tụ để tưởng nhớ vị lãnh tụ đã thiết lập nên chính quyền bình đẳng chủng tộc ở Nam Phi. Hoa và nến bắt đầu xếp thành một bức tường, trong khi những người tưởng niệm chăm chú lắng nghe các thầy tu tụng kinh, cùng nhau hát những bài hát của phong trào chống chế độ apartheid.
Tổng thống tại nhiệm Jacob Zuma thông báo chương trình tuần lễ quốc tang của cựu Tổng thống Mandela bắt đầu từ Chủ nhật ngày 8/12 cho đến Chủ nhật ngày 15/12. Chủ nhật 8/12 là ngày chính thức dành cho việc cầu nguyện và các nghi lễ tôn giáo. Thứ 3 ngày 12/12, buổi lễ quốc tang diễn ra tại một sân vận động 9500 chỗ ngồi ở ngoại ô Johannesburg. Từ thứ 4 đến thứ 6, ông sẽ được đưa về Thủ đô Pretoria. Lễ an táng diễn ra vào Chủ nhật ngày 15/12 tại ngôi làng Qunu ở Eastern Cape nơi ông lớn lên. Hãng hàng không African Airways đã ra thông báo tăng chuyến để phục vụ những người về tưởng niệm. Sàn chứng khoán Johannesburg ngừng mọi hoạt động trong vòng 5 phút thứ 6 ngày 6/12 như là một biểu hiện của sự tôn trọng.
Người dân thắp nến tưởng niệm ông Mandela ở Thủ đô Pretoria, Nam Phi
Ông Zuma phát biểu: "Chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả dân chúng Nam Phi vì lòng thành kính và tôn trọng dành cho sự mất mát lớn lao này". Người đồng minh lâu năm của ông Mandela, Đức Tổng Giám mục Emeritus Desmond Tutu thì miêu tả ông như một "món quà không thể tưởng tượng nổi" dành cho Nam Phi. "Ông ấy dạy chúng ta những bài học ngoài sức tưởng tượng về lòng tha thứ, sự độ lượng và hòa giải". Có lẽ đó cũng là "điểm yếu" của ông, Đức Tổng Giám mục nhắc đến "lòng trung thành tuyệt đối đối với tổ chức và thậm chí là với một vài chiến hữu đã bỏ rơi ông ấy".
Bạn bè và các nhà lãnh đạo quốc tế cũng bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của một biểu tượng của thời đại. Nhà Trắng thông báo về chuyến đi tới Nam Phi tham dự lễ tưởng niệm ông Mandela vào tuần tới của Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân. Buổi khai mạc hội nghị các lãnh đạo châu Phi về vấn đề bảo an diễn ra ở Paris cũng dành nhiều phút tưởng niệm và cầu nguyện cho vị cố tổng thống. Ở Luân Đôn, một hàng dài người đến chờ trước cổng Ủy ban tối cao của Nam Phi để được viết những lời đưa tiễn. Giáo hoàng Francis ca ngợi đất nước Nam Phi mà ông Mandela xây dựng nên là "một Nam Phi hoàn toàn mới, dựa trên nền tảng chắc chắn của sự không - bạo - lực, hòa giải và sự thật".
Nữ hoàng Elizabeth II chia sẻ với Nam Phi "nỗi buồn sâu sắc" khi nhớ lại cuộc gặp gỡ với ông Mandela như là "cuộc gặp ấm áp và thân thiện". BBC bình luận rằng lễ quốc tang của ông sẽ là một sự kiện chưa từng thấy ở Nam Phi, với sự có mặt của các nhà lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước cũng như những người ngưỡng mộ cố tổng thống.
"Bức tường" hoa ở ngoài nhà của Nelson Mandela tại Houghton.
Điều làm nên một biểu tượng lớn của thời đại có lẽ chính là những gì mà ông để lại. Hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2010 tại cúp bóng đá thế giới tổ chức tại Nam Phi, sức ảnh hưởng của Mandela đến cộng đồng người da màu nói riêng và những người nuôi nấng một lý tưởng, một hoài bão nói chung chưa bao giờ giảm sút. Đó là "người hợp nhất", "người hòa giải", "người không bao giờ biết đến sự cay đắng và thù hận" như lời của tổng thống da trắng cuối cùng của Nam Phi FW de Klerk (người đã yêu cầu phóng thích Mandela và cùng ông nhận giải Nobel Hòa bình).
Còn đối với người đã làm nên lịch sử tương tự như ở Nam Phi tại Mỹ, vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ Barack Obama luôn nhắc đến Mandela như người anh hùng, người truyền cảm hứng cho ông và cổ vũ ông trên con đường theo đuổi lí tưởng của mình. Ông tự nhận mình là "một trong những người đã hưởng ứng lại lời kêu gọi của Mandela". Trong một lần đến thăm Nam Phi, ông nói về Mandela như là người "đấu tranh vì công lý và nhân phẩm, vượt qua mọi giới hạn về chủng tộc, giai cấp, đức tin hay quốc gia". "Đó là những gì hiển hiện ở Nelson Mandela", Obama nói tại cuộc gặp với thanh niên ở Soweto, "cũng là những giá trị tốt đẹp nhất của Nam Phi mà cả thế giới biết tới, cũng là lý do đưa tôi quay trở lại đây".
Hơn cả một người tiên phong, một nhà lãnh đạo, Nelson Mandela là cây cầu nối những giấc mơ của nhân loại từ quá khứ đến hiện thực và tương lai, là mối liên kết giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng và mảnh đất mà mình thuộc về. Như một người trẻ Nam Phi đến tưởng niệm ông bày tỏ: "Tôi sinh ra sau khi ông ấy trở thành tổng thống và tất cả những gì tôi biết đến là một Nam Phi mà ông ấy kế thừa, tặng lại cho chúng tôi. Thế nên bây giờ là lúc gửi đến ông ấy những đóa hoa để nhớ về con người này và một Nam Phi mà ông đã đấu tranh xây dựng suốt cả cuộc đời".
Nấm Linh Chi