(Baonghean) - Đầu tháng 12 này, khi phong trào đấu tranh của lực lượng biểu tình Thái Lan dâng cao thành các cuộc đụng độ đổ máu, trong cơn “hăng máu” dâng lên cao độ, phe biểu tình ồ ạt tấn công tòa nhà chính phủ và việc nữ Thủ tướng Yingluck phải từ chức tưởng như không thể tránh khỏi. 
 
images889987_thaii_a3378.jpgBà Yingluck sẽ từ chức nếu người dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý đồng tình như vậy.
Thật bất ngờ, nữ thủ tướng xinh đẹp này đã có quyết định không thể hay hơn: dỡ bỏ hàng rào tòa nhà chính phủ, chẳng khác gì gửi “lời mời đặc biệt” để những người tham gia biểu tình thoải mái bước vào tòa nhà chính phủ, cùng với đó là lời đề nghị cần phải chuẩn bị tốt cho lễ mừng sinh nhật nhà vua. Với quyết định “fairplay” này, bà Yingluck đã biến người biểu tình từ những kẻ đầy nộ khí đang chực tràn lên phá tan hàng rào an ninh và tường rào để chiếm giữ tòa nhà chính phủ, trở thành những “khách tham quan” vui vẻ hân hoan với cảm giác của người thắng cuộc, mà thực tế chưa hẳn thế. Không những không gây đụng độ, những người biểu tình còn trở thành những “nhân viên môi trường” dọn dẹp sạch sẽ rác rưởi, làm sạch các đường phố, công trình công cộng để đón chào sinh nhật của nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej vào ngày 5/12.
 
Quyết định giải quyết tình thế đem lại kết quả hoãn binh đặc biệt tốt đẹp đó thực sự là pha ghi điểm hết sức ngoạn mục của nữ Thủ tướng Yingluck đối với dư luận quốc tế và người dân trong nước, bởi bà đã lấy nhu để thắng cương, vừa đảm bảo việc giữ vững chiếc ghế của bà Yingluck đồng thời đã tháo được một ngòi nổ lớn, tránh cho Thái Lan bị đẩy xuống miệng vực của một cuộc đụng độ lớn. 
 
Chưa hết, sau sinh nhật nhà vua Thái Lan, khi biết chắc lực lượng biểu tình sẽ không từ bỏ tham vọng ép buộc bà Yingluck phải từ chức bằng mọi cách (cụ thể là cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausban đã kêu gọi một cuộc biểu tình cuối cùng vào ngày 9/12 nhằm buộc bà phải từ chức), ngày 8/12 bà Yingluck đã đưa ra một cam kết hết sức sòng phẳng: Bà Yingluck sẽ từ chức nếu người dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý đồng tình như vậy. Bà Yingluck Shinawatra đã phát biểu trên đài truyền hình quốc gia rằng Chính phủ của bà đang tìm mọi biện pháp để kết thúc các cuộc xung đột với phe đối lập, và “Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để người dân có thể quyết định tương lai của Chính phủ”.
 
Rõ ràng, phát biểu này thể hiện bà Yingluck đang có tâm thế hết sức ổn định, đầy tự tin, và bà đang muốn hướng đến một cuộc chơi sòng phẳng. Bà chỉ từ chức khi đa số người dân thực sự muốn thế, chứ bà không thể từ chức vì bất cứ lý do gì khác, nhất là những lý do mang tính chủ quan cho rằng bà và chính phủ do bà lãnh đạo chỉ là con rối bị giật dây bởi anh trai bà – cựu thủ tướng Thacksin. Quyết định này cũng cho thấy bà Yingluck muốn được đưa ra ánh sáng công luận và dư luận để thẩm định lại cuộc biểu tình do ông Sunthep “nắm ngọn cờ” thực chất có đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Thái Lan hay không, có đại diện cho yêu cầu phát triển thực sự của đất nước hay không, hay chẳng qua chỉ là sự cạnh tranh quyền lực thiếu công minh, không sòng phẳng, thậm chí là cố tình “chụp mũ” một cách không đáng có.
 
Đưa ra quyết định trưng cầu dân ý, bà Yingluck đã tiên liệu trước được khả năng giành thắng lợi của bà bởi đảng của bà và cá nhân bà đang ngày càng chứng minh họ thực sự là người có trách nhiệm cao và đang nỗ lực hết sức trên cương vị đảm nhiệm. Cùng với đó, bà Yingluck cũng nắm được “tim đen” của ông Sunthep rằng ông này có quá nhiều kênh thông tin để biết chắc rằng bà Yingluck và đảng của bà sẽ dễ dàng giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử chính thức. 
 
Trước lợi thế của nữ thủ tướng Yingluck, Sunthep đã hối thúc việc thành lập một “hội đồng nhân dân” bao gồm “những người tốt” để thay thế chính phủ hiện tại. Tuy nhiên bà Yingluck đã từ chối ý tưởng này vì cho rằng nó không dân chủ và vi hiến. Bà cũng chưa đưa ra chi tiết về cuộc trưng cầu dân ý đã nêu nhưng tuyên bố rằng cuộc trưng cầu là hợp hiến.
 
Với cách hành xử như vậy, một cách rất thuyết phục, bà Yingluck đang chứng minh mình mới thực sự xứng đáng là bậc chính nhân quân tử, còn những người lãnh đạo phe biểu tình chỉ là những kẻ xuất phát từ mục đích cá nhân, từ tham vọng về quyền lực chính trị không đại diện cho số đông. 
 
Chí Linh Sơn