(Baonghean) - Lễ Tạ ơn hay gọi là tục trả ơn của đồng bào Khơ Mú, thường được tổ chức vào những dịp nông nhàn. Đây là lễ mà người con rể dành để tạ ơn cho gia đình bên vợ, khi họ đã có con cái, có nhà riêng và làm ăn khấm khá.
Lúc đó vợ chồng người con rể sẽ sắm lợn, gà, rượu để tổ chức nghi lễ tạ ơn cho cha mẹ vợ vì đã có công sinh thành. Tại buổi Lễ Tạ ơn, tất cả anh em họ hàng và mọi người trong bản đều được mời để cùng về chung vui.
Vật cúng có ý nghĩa và không được thiếu trong Lễ Tạ ơn đó là con lợn và hai chum rượu cần. Lợn to hay nhỏ thì tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng cặp vợ chồng người con rể. Khi làm lễ tạ, người ta chỉ lấy phần đầu, một ít lòng, thịt mông và đuôi của con vật.
Điểm hay của Lễ Tạ ơn không chỉ bởi ý nghĩa vô cùng đẹp của nó, mà còn ở chỗ người ta có thể “biện lễ” tùy vào điều kiện kinh tế, cũng không bắt buộc về thời gian. Đôi vợ chồng có thể lấy nhau 2 năm, 3 năm, có thể 10 năm, khi nào có điều kiện thì tổ chức Lễ Tạ ơn cho bố mẹ vợ.
Nếu trong phong tục làm vía của đồng bào Mông hay người Thái, khi thực hiện nghi thức phải cần đến thầy mo khấn, cầu, còn Lễ Tạ ơn của người Khơ Mú do chính người con rể thực hiện. Rượu được rót ra 4 chén, sau đó người con rể sẽ đứng ra chúc phúc cho gia đình ngoại và mời hai ông bà mỗi người 2 chén, và buộc lên cổ tay trái của bố mẹ vợ mình một sợi chỉ màu trắng, còn anh em họ hàng và khách mời thì chúc gia chủ bằng cách vắt một ít xôi vo tròn đặt lên tay hai ông bà, càng có nhiều người tham dự, vắt xôi trên tay càng to thì ông bà sẽ càng khỏe mạnh và hạnh phúc. Để đáp lại tình cảm của anh em, họ hàng và khách, người con rể lại rót rượu mời lại khách.
Địa điểm tổ chức Lễ Tạ ơn cũng được đồng bào coi trọng, nơi đó bắt buộc phải là gian bếp, nơi có một gác bếp nhỏ, theo quan niệm của người Khơ Mú thì đây chính là nơi cư ngụ của tổ tiên, ông bà. Khi nghi thức của Lễ Tạ ơn kết thúc, anh em họ hàng và mọi người sẽ cùng nhau chung vui bên chum rượu cần ngay tại gian bếp.
Lữ Phú