(Baonghean) Một buổi chiều đầu năm, tôi gặp họa sỹ Lê Huy Tiếp - một người nổi tiếng trong giới Mỹ thuật của cả nước, tại một quán cà phê gần bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong ánh điện vàng ấm áp của căn phòng, người họa sỹ ngồi đó, kể cho tôi nghe câu chuyện đời mình…

Sinh năm Canh Dần (1950) tại huyện Anh Sơn, trong gia đình cả bố và mẹ đều là cán bộ lão thành cách mạng, Lê Huy Tiếp có ông trẻ và anh họ là những người nổi tiếng trong giới mỹ thuật nên tuổi thơ của ông được đùm bọc trong yêu thương và kỳ vọng của gia đình. Nhờ được sống trong khu tập thể cơ quan bố mẹ, nên Lê Huy Tiếp được các cô, bác cán bộ đồng nghiệp của mẹ chăm sóc, dạy dỗ cả trong thời gian kháng chiến chống Pháp và hoà bình. Lên 5, 6 tuổi, Lê Huy Tiếp bắt đầu thích vẽ và được người bố khi đó đang điều trị bệnh bên Trung Quốc thi thoảng gửi tặng những cuốn sách về mỹ thuật.

Đó là món quà vô cùng ý nghĩa đối với cậu bé đang ngày đêm cùng màu, bút mê mải hình dung về thế giới trên những trang giấy nhỏ bé của mình.

Lê Huy Tiếp là học sinh giỏi cả môn Toán, Văn, Lý, Hóa, thích làm thơ, học nhạc, thích bóng đá, bóng bàn và thích tự mày mò chế tạo các vật dụng điện tử. Nhiều người quen còn kể lại chuyện cậu bé Tiếp cắt bóng đèn điện để làm kính lúp, rồi tự làm đèn pin, làm quạt, làm loa phát thanh… Khi được hỏi ngày bé mơ ước làm gì, Lê Huy Tiếp trả lời: “Mong ước lớn nhất của tôi là được làm họa sỹ, thứ hai là làm kỹ sư chế tạo máy, thứ ba là trở thành nhà toán học”. Nhưng bố anh, người hiểu hơn ai hết khát vọng cùng khả năng của con trai mình, khuyên anh rằng cần phải học xong văn hóa cơ bản rồi hãy nghĩ tới chuyện học vẽ. Vậy là cậu bé Tiếp lặng lẽ theo đuổi hội họa bằng cách riêng của mình bên cạnh việc học văn hóa ở nhà trường. Những bức tranh vẫn được vẽ, nhưng có vẻ như chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của riêng cậu.

Năm 1965, Lê Huy Tiếp gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Đầu thường xuyên đau nhức, mắt phải giảm thị lực chỉ còn 1/10, anh được bố mẹ cho ra Hà Nội để chữa trị. Bố anh nói: “Ra chữa bệnh xong thì cho đi học vẽ làm hoạ sĩ lúc nào thích thì vẽ chứ ngồi làm toán suốt đau đầu”. Vậy là, cùng 3 người bạn của bố mẹ, cậu bé Tiếp đạp xe ra Hà Nội để chữa bệnh nhưng với một niềm phấn khích lớn: được theo đuổi mơ ước về nghệ thuật của mình.

Đạp xe đến Tĩnh Gia, Thanh Hóa, địch dội bom khắp nơi. Bất chợt anh thấy nhói đau trong ngực, thấy máu chảy, thấy trời đất quay cuồng. Những mảnh bom bi xuyên vào ngực, tay, hàm anh. Anh được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, còn bố mẹ lúc bấy giờ đang ở Vinh được báo tin rằng đứa con trai duy nhất của họ nhiều khả năng sẽ không qua khỏi. Nhưng số phận đã mỉm cười với Lê Huy Tiếp: sau 3 ngày chết lâm sàng anh tỉnh dậy và mấy ngày sau nữa gặp lại bố mẹ mình, lòng ấm áp khi nhìn thấy nước mắt cùng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt họ.

Sau chuyến đi cùng “cái chết” lạ lùng đó, anh ra Hà Nội điều trị bệnh và thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Công nghiệp, ngành đồ họa thiết kế. Anh cười nửa đùa nửa thật: “Vì mình mắt mờ nên được đi học vẽ và trở thành họa sỹ”. Chỉ có điều, sau khi bị trúng bom, một mảng ký ức của anh bị lãng quên.

Lê Huy Tiếp kể rằng, trong số những kỷ niệm ít ỏi còn neo lại được trong ký ức anh, kỷ niệm đẹp nhất là khi học lớp 6, lần đầu tiên anh được tham gia một triển lãm tại Thành phố Vinh do Sở Văn hóa – Thông tin tổ chức. “Đó là bức tranh tĩnh vật, tôi nhớ là có vẽ củ su hào, cái nón… Tôi đã rất sung sướng khi bức tranh được chọn treo trong triển lãm”.

791134_small_92254.jpg

                                                    Họa sỹ Lê Huy Tiếp.

Sau này, qua một thời gian dài học tập rèn luyện ở trong nước và nước ngoài, Lê Huy Tiếp đã chọn được hướng đi cho riêng mình. Ban đầu Lê Huy Tiếp chịu ảnh hưởng nhiều bởi các họa sĩ của trường phái hậu ấn tượng và những trường phái hiện đại châu Âu, song từ 1975, anh bắt đầu với dòng tranh tả thực lãng mạn mang tinh thần của chủ nghĩa siêu thực và tượng trưng. Anh là một trong những người tiên phong cho khuynh hướng tả thực của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Sự nhàu nát của tờ báo, từng mạch máu, gân tay, những nếp nhăn trên gương mặt và quần áo, màu trắng xốp bồng bềnh của mây, màu vàng chấm li ti của bãi cát…, tất cả được Lê Huy Tiếp diễn tả một cách thành thục, chuẩn xác bằng những nét cọ tài hoa.

Tranh của Lê Huy Tiếp thường ưa những gam màu tươi sáng, hiện đại, có chiều sâu và tinh tế đến bất ngờ và mỗi bức tranh gắn với một câu chuyện thú vị. Năm 1975, bức “Cô gái và con chó trắng” được dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Bức tranh mang đến một luồng gió mới cho cuộc triển lãm cũng như không khí nghệ thuật lúc bấy giờ bởi bút pháp lạ và giàu biểu cảm của nó. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng bức tranh này không phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc đó. Chính bức tranh này 17 năm sau đã được bán cho một nhà sưu tầm tranh người Mỹ với giá khá cao, cùng với đó là lời đề nghị mua toàn bộ các tác phẩm khác của Lê Huy Tiếp. Sau bức “Cô gái và con chó trắng”, anh vẽ “Sáng tạo” trong vòng 2 năm (1976-1978), một bức tranh sơn dầu tràn trề màu sắc. Cả thế giới hay có thể nói cả ý niệm về thế giới trong con mắt nghệ thuật được đặt vào bức tranh ấy. “Sáng tạo” cho trình hiện cả không gian của nền nông nghiệp, công nghiệp, cả gia đình, cá nhân, xã hội, thiên nhiên, con người, cả cái đẹp, tri thức, khoa học, và tất nhiên cả nghệ thuật. Đó là những mảng màu khác nhau của bức tranh cuộc sống, hội tụ lại một cách hài hòa, hợp lý, tinh tế và đầy ám ảnh.

Con đường mà họa sỹ Lê Huy Tiếp chọn đã mang lại cho anh hết thành công này đến thành công khác. Năm 1986 anh đoạt Giải Đặc biệt trong triển lãm Quốc tế Hà Nội. Năm 1990 giải Nhì triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 1997 lại đoạt giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2001 và 2003 anh đều đoạt giải cao trong triển lãm Mỹ thuật khu vực I (Hà Nội). Đặc biệt, năm 2007 anh đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, một giải thưởng danh giá mà mọi nghệ sĩ đều mơ ước.


Quỳnh Lâm