(Baonghean) 87 tuổi đời, 47 tuổi Đảng, 30 năm phụ trách công tác an ninh ở địa phương, bà đã xuất sắc góp phần giữ bình yên cho khối phố. Đặc biệt, trong những năm chống chiến tranh phá hoại thời kỳ chống Mỹ, bà là trưởng ban bảo vệ dân phố khu phố 3, bảo vệ tài sản, dẫn đường cho hàng ngàn chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến.

Chúng tôi tìm đến nhà bà, ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nép mình trong ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Công Trứ (khối 1, phường Hồng Sơn, TP.Vinh). Bà đã kể lại cho chúng tôi nghe những năm tháng tuổi thơ cơ cực cho đến khi bà lấy chồng, theo cách mạng...

Nữ anh hùng LLVT Nguyễn Thị Hạnh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở Thạch Phú, Thạch Hà (Hà Tĩnh). 15 tuổi, một bà cụ buôn thuốc Lào gần chợ Vinh mua bà Hạnh với giá 10 đồng bạc để sau này làm vợ một đứa cháu tật nguyền của bà. Không chịu bị “ép duyên”,  bà tìm cách từ chối khéo: “Bà mua cháu về, cháu bằng lòng làm phận tôi đòi, đứa ở phục vụ gia đình bà. Cháu nhất định chưa nghĩ đến chuyện chồng con, vả lại cháu cũng chẳng yêu thương gì anh ấy...”.

Ép buộc không được, bà Quán “trở mặt”, bắt Hạnh phục vụ gia đình nhưng không cho ăn, uống với ý đồ là đẩy đến đường cùng sẽ phải ưng thuận. Lâm vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa giữa đất khách quê người, Hạnh rất muốn tìm đường về quê, nhưng nghĩ đến chuyện nếu về quê cụ buôn bán thuốc lào theo về đòi lại tiền mua thì khổ bố mẹ nên không dám. Những ngày tháng đó, đói, rét bà nhặt nhạnh ngọn rau, vỏ chuối... nơi đầu đường xó chợ để cầm hơi qua ngày. Sau, bà tìm đến các quán ăn xin rửa bát không công để vét chút cơm thừa canh cặn. Đang giữa lúc cùng quẫn như thế thì có một chị cùng cảnh ngộ thương tình cho mượn 5 hào và bày cho cách mua cau trầu về têm đem bán dạo cùng với thuốc lào. Bằng cách mưu sinh này, mỗi ngày cũng kiếm được một vài xu lãi đủ sống qua ngày.

Một người buôn bán thuốc lào khác - sau khi biết được cảnh ngộ của bà Hạnh, đã động lòng đưa về nhà nuôi làm người giúp việc. Bà chủ chuyên bán thuốc lào ở chợ Đình (Nghi Xuân) và chợ Thượng (Đức Thọ) Hà Tĩnh. Những phiên chợ xa như thế bà Hạnh thường được đi theo để trông coi hàng. Qua những phiên chợ, bà gặp Phan, con trai người bạn buôn thuốc lào của chủ, lúc đó cũng thường đi theo trông coi hàng cho mẹ ở chợ. Hai bên cảm mến, yêu thương nhau nên đã thành vợ thành chồng. Lễ ăn hỏi, gia đình ông Phan mang sang nhà người đã mua bà Hạnh 10 đồng coi như là cái lễ chuộc bà Hạnh khỏi phận “con ở”. Cuộc đời người phụ nữ chịu nhiều cay cực được lật sang một trang mới với một gia đình yên ấm, hạnh phúc, thoát khỏi những ngày tủi nhục...

Làm dâu một gia đình có truyền thống cách mạng nên bà sớm giác ngộ, hơn thế tuổi thơ cơ cực giúp bà hiểu ra rằng “hạnh phúc là đấu tranh”, “phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Bà cùng chồng tích cực tham gia hoạt động cách mạng.

Bước sang năm 1945, khi nạn đói hoành hành, người chết đói đầy đường, đầy chợ rồi Cách mạng Tháng Tám thành công và tiếp đó là công cuộc "chống giặc đói, giặc dốt...", cả gia đình bà Hạnh đã tích cực trong việc tăng gia sản xuất, hăng hái buôn bán, tiết kiệm hằng ngày để có gạo, tiền ủng hộ cách mạng. Trong phong trào xóa nạn mù chữ để “diệt giặc dốt”, vợ chồng bà Hạnh vừa là học viên gương mẫu, vừa là thành viên vận động mọi người tham gia học; đi dạy bình dân học vụ suốt mấy năm liền.

Cuối năm 1955 đầu năm 1956, bà Hạnh được cử làm Tổ trưởng hộ khẩu xóm trong cải cách ruộng đất. Tiếp đến là xóm phó phụ trách an ninh, rồi cán bộ an ninh của khu phố (tương đương với cấp phường, xã hiện nay). Đầu năm 1960, bà được phân công làm Phó trưởng Ban bảo vệ khu phố III cho tới khoá Hội đồng khu phố 1970 - 1971, bà được bầu làm Ủy viên ban cán sự kiêm Trưởng ban bảo vệ khu phố. Từ năm 1972 đến 1984 là đảng ủy viên liên tục 6 khoá (12 năm) kiêm cán sự phó phụ trách nội chính khu phố (tương đương Phó Chủ tịch phường phụ trách nội chính bây giờ) cho đến lúc nghỉ hưu.

791132_small_92252.jpg

Nữ AHLLVT nhân dân Nguyễn Thị Hạnh tại hội nghị “biểu dương những điển hình trong phong trào học tập 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”.

Trong chiến tranh phá hoại thời kỳ chống Mỹ, bà đang là Phó ban cán sự nội chính – kiêm Trưởng ban Bảo vệ dân phố Khu phố III – trực tiếp phụ trách xóm Cộng Hòa, xã Vinh Tân (TP Vinh). Ở đó có kho lương dự trữ lớn được vận chuyển từ miền Bắc vào tập kết chờ để tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Với khẩu súng K44, bà Hạnh như con thoi có mặt khắp các trận địa, nơi đâu có tiếng bom nổ là bà vội đến để cùng anh chị em dân quân, tự vệ giúp dân khắc phục hậu quả cứu thương, san lấp hố bom; dập lửa cứu xe rồi dẫn xe tới nơi trú ẩn đã bố trí trước; đưa các đoàn xe đi sơ tán ra ngoài khi phà Bến Thuỷ bị ùn tắc kéo dài hoặc trời sắp sáng; tuần tra bảo vệ hàng hoá chưa kịp vận chuyển vào chiến trường đang tạm gửi cất giấu trong các kho không được để xảy ra mất mát. Sáng bà tham gia vác gạo từ bến sông về kho, chiều lại vác đạn phục vụ chiến đấu. Khi có tiếng còi báo yên bà mới có điều kiện nhớ tới 5 đứa con nhỏ ở nơi sơ tán, thường thì một tuần lễ hoặc mươi ngày bà mới có dịp gặp các con  một lần, còn thì cứ anh, chị lớn chăm cho em bé hơn, phần nữa thì bà con ở vùng sơ tán giúp đỡ. “Những năm tháng đó, chiến tranh ác liệt lắm. Cả khu phố đi sơ tán hết, chồng tui cũng theo xưởng xay đi phục vụ kháng chiến ở Hưng Nguyên, Đô Lương. Các con thì gửi về Hưng Đông. Một mình ở lại cùng anh em dân quân bảo vệ khu phố. Nguy hiểm nhất là khi địch phát hiện xe ôtô vượt ngã tư, lập tức đạn rốc-két đan chéo ngang dọc hình thành một vòng lửa khép kín. Những lúc như thế đòi hỏi mình bất chấp sống chết lăn xả vào dập lửa cứu xe rồi dẫn xe tới nơi trú ẩn đã bố trí trước…”

Do có công lao và thành tích xuất sắc trong công tác, bà Nguyễn Thị Hạnh được bầu là Chiến sỹ Quyết thắng của lực lượng Công an liên tục 8 năm liền từ 1968 - 1976 và vinh dự lớn nhất là ngày 3/9/1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng bà danh hiệu Anh hùng LLVTND - nữ Anh hùng đầu tiên của Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, bà còn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều bằng khen của Bộ Công an, Bộ Nội vụ và UBND tỉnh. Những chiếc huy chương, huân chương, huy hiệu, hay những bằng khen, giấy chứng nhận, bà vẫn nâng niu, cất giữ cẩn thận, xem đó như bảo vật của mình, để “con cháu nhìn đó làm gương, phấn đấu sống tốt, đem sức mình “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, bà tự hào.



      Bà Hạnh và những tấm Huân, Huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng.

Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục được tín nhiệm bầu vào làm cán bộ cơ sở với nhiều chức danh như Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên BCH Hội LHPN phường, Tổ trưởng Tổ an ninh khối; Ủy viên BCH Hội Người cao tuổi phường Hồng Sơn. Giờ đây, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà vẫn hăng hái tham gia các phong trào ở khu dân phố. Nhất là phong trào bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Trưa nắng nóng, hay những đêm khuya khoắt, mưa rét, với chiếc đèn pin bà vẫn giữ thói quen “đi tuần” ở các ngõ, ngách trong khối. Không ít lần, bà phát hiện những đối tượng bán lẻ ma túy, phối hợp cùng công an phường bắt giữ; phát hiện những đối tượng nghiện hút, bà đến nhà khuyên ngăn... Con cháu biết tính bà, biết bà ham việc nên cũng chẳng dám can ngăn, chỉ khi nào bà đi tuần thì cũng xách đèn theo sau, đề phòng lỡ xảy ra chuyện gì. Anh Nguyễn Văn Lộc, con trai bà cho biết: “Một ngày không đi, bà chẳng yên chút nào.

Kinh nghiệm 30 năm làm công tác an ninh, quan sát xung quanh là bà biết được đối tượng tình nghi ma túy, trộm cắp; đặc biệt bà “có tài” vận động, thu phục những đối tượng phạm tội... Cách đây mấy tháng, vào buổi trưa, bà thấy có mấy thanh niên đứng đầu ngõ, bộ dạng thất thểu, nhìn dáo dác và đang có hành vi bán lẻ ma túy. Bà vờ đi qua, đi lại. Sợ có người phát hiện, chúng giấu ma túy vào mấy viên gạch táp-lô rồi bỏ đi. Bà gọi điện báo công an phường mật phục và tóm gọn các đối tượng...” Không những vậy, bà còn làm thơ, làm vè về phòng chống ma túy, phòng chống tệ nạn xã hội; là diễn viên không chuyên của khối, của phường trong những tiểu phẩm vui về phòng chống tội phạm; là hòa giải viên uy tín hóa giải những mối bất đồng, giữ cho khối phố bình yên...


Thanh Phúc