(Baonghean) -  Người làm công tác tuyên giáo nhất thiết là người đã có nhiều trải nghiệm. Vì chỉ có trải nghiệm thì mới chiêm nghiệm để phát hiện, nhìn nhận  ra bản chất sự việc, vấn đề và sự trải nghiệm sẽ giúp cho lời nói có sức thuyết phục, làm lay động con tim và thức tỉnh lý trí người tiếp nhận. 

Công tác tuyên giáo là công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng. Công cụ của công tác tuyên truyền là lời nói và các hình thức vật chất hóa lời nói như chữ viết, hình ảnh tác động thẳng vào trí óc, con tim của người tiếp nhận. Dân ta có câu “lời nói, gió bay”, “khẩu thiệt vô bằng” nên nói để cho người ta nghe, người ta tin tưởng và làm theo là điều không dễ. Vì thế mới có câu “nói có sách”, nghĩa là nói phải có sách lược nói, chiến lược nói, nói một cách bài bản phù hợp với từng đối tượng, từng sự việc, từng lĩnh vực, từng giai đoạn, lý lẽ, lập luận vững vàng, nhạy bén và sắc bén, có cơ sở từ lý luận và cả thực tiễn. Và nói với tình cảm trong sáng, chân thật, để làm lay động con tim và thức tỉnh lý trí. Làm được như vậy thì công tác tuyên giáo sẽ trở thành một lực lượng vô hình nhưng có sức công phá vô cùng to lớn mà không một loại vũ khí vật chất nào thay thế được.

resize_images1641106_img_0605.jpgPhối hợp tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành luật giao thông

Có thể viện dẫn ra đây một bằng chứng cho phần luận đề ở trên. Đó là vào chiều ngày 29/7 vừa rồi, sân bay Nội Bài ở Hà Nội và sân bay Tân Sơn Nhất ở TP. Hồ Chí Minh bị tin tặc tấn công làm tê liệt các bảng chỉ dẫn. Việc làm thủ tục từ điện tử phải chuyển sang làm thủ công khiến hàng trăm chuyến bay bị chậm. Đây là một sự kiện hy hữu và có thể nói là dấu hiệu rất nguy hiểm. Các tờ báo mạng đồng loạt đăng tin, giật tít “tin tặc tấn công” gây này nọ, khiến cho những ai không ở sân bay để chứng kiến sự việc hết sức bàng hoàng, hoảng hốt, âu lo và có cả sự hoang mang kiểu như ngày tận thế đã đến nơi. Giữa lúc rối bời đó thì trên Vnexpress xuất hiện bài báo “Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công” của tác giả  Hoàng Minh Trí.

Bài báo đề cập một cách trung thực, khách quan những gì mà tác giả được chứng kiến ở sân bay Nội Bài, đó là  “Hệ thống máy tính không hoạt động, thủ tục làm bằng tay. Thứ tự các chuyến bay và cổng ra tàu bay thay đổi liên tục và chỉ được thông báo qua loa phóng thanh. Bởi ngay cả hệ thống loa sân bay cũng đã bị tấn công”. Nhưng, điều lạ là trong khung cảnh tưởng như sẽ vô cùng hỗn loạn ấy, lại là một sự trật tự đáng ngạc nhiên. Gần như không ai phàn nàn. Tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự. Không thấy sự vội vàng chen lấn như ngày thường. Mọi người nhường nhịn và thông cảm cho nhau lẫn cho hãng hàng không… Rồi tác giả lý giải, tất cả đều biết rằng mình đang là nạn nhân của một cuộc tấn công. Một cuộc tấn công không báo trước. Và không ai bảo ai, tất cả quyết định rằng họ sẽ cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau dù chỉ bằng sự im lặng… Cuối cùng, tác giả kết luận: Trước một cuộc tấn công, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một dân tộc đoàn kết. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Những kẻ tấn công đã tắt đi được những màn hình điện tử vô tri ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công thất bại. Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này. 

Những thông tin trung thực và sự phân tích, lập luận sắc sảo, có lý, có tình trong bài viết đã khiến cho những ai vừa trước đó không yên lòng về cuộc tấn công của tin tặc thì ngay lập tức chuyển sang phấn chấn, tin tưởng đến lạ lùng. Chỉ mấy trăm chữ thôi mà đã chuyển nguy thành an, làm thay đổi cục diện của vấn đề trong nháy mắt,  không chỉ làm yên lòng nhân dân cả nước mà còn thổi bùng lên niềm tự hào, tin tưởng trong lòng mỗi người dân đất Việt. Cách nói trong bài viết đã làm lay động con tim và thức tỉnh lý trí của hàng triệu con người. Nghĩa là thổi bùng tình cảm yêu nước và giúp mọi người tỉnh táo nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực trong bất cứ hoàn cảnh nào để củng cố niềm tin, đoàn kết vượt qua khó khăn, trở ngại.

 Những người làm công tác tuyên giáo nên coi đó là một bài học quý giá, là một “giáo cụ trực quan sinh động” để mà học hỏi, làm theo. Dĩ nhiên, học hỏi rồi để vận dụng một cách nhuần nhuyễn bài học đó vào trong công tác là không hề dễ. Nó đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo không chỉ có trình độ mà còn phải nhạy cảm với mỗi sự kiện, sự việc, con người. Và phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để phân tích, xác định đúng, trúng vấn đề cần giải quyết và phải thường xuyên bám sát thực tiễn, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Lăn lộn, tắm mình trong thực tiễn cuộc sống để chủ động phát hiện, nắm bắt, đánh giá, dự báo, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vướng mắc trong tư tưởng người dân và của cả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người làm công tác tuyên giáo nhất thiết là người đã có nhiều trải nghiệm. Vì chỉ có trải nghiệm thì mới chiêm nghiệm để phát hiện, nhìn nhận  ra bản chất sự việc, vấn đề và sự trải nghiệm sẽ giúp cho lời nói có sức thuyết phục, làm lay động con tim và thức tỉnh lý trí người tiếp nhận. Và khi đó, công tác tuyên giáo mới hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Duy Hương 

TIN LIÊN QUAN