Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. 2 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Phó Trưởng Ban thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
20 Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Thông tin và Truyền Thông, Khoa học và Công nghệ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Trưởng Ban Chỉ đạo mời đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương tham gia Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách có liên quan và tập trung nguồn lực cho các địa bàn đặc biệt khó khăn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tham gia xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015.
Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng thêm nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo...
Trong giai đoạn (2006 – 2010): - Khoảng 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 6 – 7 triệu đồng/lượt/hộ. - 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn. - 100.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó trên 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm... |