Năm 2017, trên diện tích gần 1 ha đất đồi tại vùng Khe Lá Han ở xã Giai Xuân, ông Nguyễn Văn Hữu đã cải tạo, đầu tư đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng. Đây là cây trồng mới nên trong quá trình chăm sóc, ông Hữu luôn tìm tòi, học hỏi qua ti vi, sách, báo, tham quan mô hình để nắm bắt được kỹ thuật, áp dụng vào thực tế.
Qua thực tế sản xuất, giống thanh long này dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển tốt, sớm cho quả. Năm 2018 từ diện tích này, gia đình ông Nguyễn Văn Hữu thu hái hơn 6 tấn quả, đem lại nguồn thu nhập 150 triệu đồng.
Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch, ông Hữu cho biết, dự kiến năm nay sẽ xuất bán trên 10 tấn quả, thu về hơn 300 triệu đồng.
Qua tham quan một số mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Thanh Hóa tôi đã mua giống về trồng, thành quả ngoài sự mong đợi đó là cho sai quả, chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng. Tôi thấy đây là cây trồng thích nghi tốt với thời tiết khắc nghiệt nắng gió và đồi cao ở đây”.
1 năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch liên tiếp trong 5 tháng và tuổi thọ của cây bình quân kéo dài từ 20 đến 25 năm. Từ khi ra hoa cho quả đến khi chín cho thu hái là 30 ngày, với nhiều lứa quả, nên hàng ngày gia đình đều có thanh long xuất bán.
Quả thanh long có ruột đỏ tím, ăn ngọt đặm, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng... nên được thị trường ưa chuộng, hàng ngày được thương lái đến tận nơi mua với giá 30.000 đồng/kg.
Những ngày qua thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng nhờ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt nên cây trồng vẫn phát triển xanh tốt, cho sai quả, khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác.
Ông Hữu cho biết thêm: “Trồng thanh long ruột đỏ chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể cắt cành dâm làm giống nhân rộng. Gia đình tôi đã cắt dâm mở rộng được diện tích và còn có xuất bán cho nhiều hộ dân tại địa phương”.
Năm nay đã hơn 60 tuổi đời, ông Nguyễn Văn Hữu vẫn luôn phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ, sống gần gũi, quý mến mọi người, đồng chí, đồng đội, hăng say lao động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm nên giờ đây gia đình đang sở hữu trang trại kinh tế khá khoa học, hiệu quả.
Với diện tích 25 ha, ông đã phủ kín 20 ha keo nguyên liệu, diện tích còn lại ông bố trí trồng các loại cây ăn quả và đào ao nuôi cá. Từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 450 triệu đồng.
Hội CCB huyện Tân Kỳ có 50 trang trại của hội viên cho thu nhập cao, trong đó điển hình là trang trại của CCB Nguyễn Văn Hữu. Hiện anh có vườn thanh long ruột đỏ với quy mô lớn nhất huyện Tân Kỳ, cho hiệu quả kinh tế rất cao, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên trên địa bàn đến tham quan mô hình để nhân rộng, bởi địa phương có tiềm năng đất đai lớn, nhất là đất đồi núi như anh Hữu.