(Baonghean) - Xuất thân từ miền biển, người ngư dân ấy theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lên đường chiến đấu. Xuất ngũ trở về địa phương, phải cưa bỏ cánh tay sau một vụ tai nạn, nhưng ông không đầu hàng số phận, vẫn kiên cường bám biển, tham gia lao động sản xuất...

Giữ biển, giữ rừng
 
Trong những ngày cá Ông dạt vào bờ biển xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, nhiều người ấn tượng khi chứng kiến hình ảnh lão ngư thân hình nhỏ thó, bị mất một cánh tay tích cực cùng mọi người tham gia cứu hộ, trục vớt. Thần khí lão ngư ấy trông thật quyết liệt, dữ dội, pha chút kiêu bạc trước sóng gió biển khơi...
 
images1572962_1.jpgLão ngư Phạm Sỹ Ba tham gia trục vớt cá voi.
 
Sau khi con cá voi xấu số đã mồ yên, mả đẹp, gặp lại lão ngư ấy trên 5 sào lạc đến kỳ thu hoạch của gia đình nom ông thật hiền. Lão ngư ấy có tên là Phạm Sỹ Ba, năm nay 60 tuổi, nhà ở xóm 5, xã Diễn Thịnh. Ông lão chia sẻ: “Dân miền biển chúng tôi, khi có hoạn nạn hay niềm vui đều có sự sẻ chia. Thấy cá dạt vào bờ ở xóm 9 nên tôi ra giúp. Hôm đó thấy mọi người nghi ngại lo sợ khí độc từ bụng cá khiến công việc trục vớt chậm trễ nên tôi xung phong. Mình là bộ đội Cụ Hồ mà. Trải qua chiến tranh tôi biết, có người nghe mùi tử khí thì ốm ra, có người thì không sao. Riêng tôi thì miễn nhiễm...”.
 
Cái tay còn lành lặn nhấc ấm chè xanh rót mời khách, lão ngư Phạm Sỹ Ba kể: Nghề lưới lộng ở Diễn Thịnh là nghề cha truyền con nối. Dân Diễn Thịnh chủ yếu đi bè nhỏ để ra khơi, một buổi đánh bắt, một buổi về làm nông. Hồi ông còn nhỏ vẫn nghe các cụ kể chuyện về những chuyến ra khơi gặp giông lốc bất ngờ, nốc ghe lật úp, nhờ được cá Ông cứu giúp nên thoát chết. Rồi chuyện năm nào đó, có con cá voi khổng lồ dạt vào bờ biển xóm 4, người dân xã ra xây đắp mả to đẹp... Thời thanh niên, một vài lần dong ghe ra khơi cách bờ 5 - 6 hải lý đánh bắt, ông Ba cũng đã thấy cá voi. Đó là điềm lành, báo hiệu mùa biển bội thu, cá bạc đầy khoang...”.
 
Rồi ông thủng thẳng kể chuyện đời mình. Năm 1978, anh thanh niên miền biển 22 tuổi Phạm Sỹ Ba lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Biên chế vào Đại đội 15, Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 chuẩn bị sang Lào thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Tháng 2/1979, ông Phạm Sỹ Ba nô nức từ điểm đóng quân ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương hành quân vượt 500 km đến Lạng Sơn và bước vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Anh đã cùng các đồng đội kiên cường bám trụ từng điểm cao, giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc. 
 
Năm 1982, ông Ba xuất ngũ trở về địa phương sống đời bình dị cấy cày, chài lưới. Ông bùi ngùi: “Được về nhà với người thân, tôi thấy mình may mắn hơn 650 đồng đội trong sư đoàn đã vĩnh viễn nằm xuống bên bờ sông Kỳ Cùng, thị trấn Đồng Đăng”.
 
Ý chí vượt sóng gió
 
Trở về địa phương, ông Phạm Sỹ Ba kết hôn cùng thôn nữ Nguyễn Thị Châu. Vợ chồng nghèo tuy rau cháo nuôi nhau nhưng hết sức hạnh phúc. Từ năm 1984 đến năm 1993, 4 con lần lượt ra đời. Nhà đông con lại nuôi bố mẹ già, vợ chồng ông Ba luôn cần cù lao động không phút nào ngơi tay. 8 sào ruộng nhà ông luân canh hết lạc, ngô, vừng, đỗ, dưa. Mùa nào cũng có thu hoạch. Ngày ngày rạng sáng ông lại dong ghe ra lộng, ra khơi thả lưới, trưa về, bà gỡ cá ra chợ đổi gạo, áo quần, bút vở cho con...
 
Ông Ba tham gia cứu hộ cá voi ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu)
Những tưởng cuộc đời êm trôi, đến năm 2003, ông Phạm Sỹ Ba gặp biến cố lớn. Khi đánh xe bò lốp trên Quốc lộ 1 về nhà, ông bị tai nạn giao thông, mất đi cánh tay phải. Lão ngư Phạm Sỹ Ba tâm tư: “Người không cân, làm cái gì cũng khó, không cẩn thận là ngã. Tay không thuận cầm được vật nặng, làm động tác nào cũng ngượng nghịu. Hôm đầu, mình không sao đẩy ghe từ bãi ra biển được. Nằm vật xuống bãi biển vì quá mệt, mình đã khóc. Cái cảm giác mình là kẻ thất bại, là kẻ thua cuộc lại trỗi dậy. Nhưng nó chỉ chợt thoáng qua thôi rồi lại vụt tắt. Sáng đêm về nằm vắt trán ngẫm nghĩ và đưa ra quyết tâm làm mãi sẽ thành quen. Tập dần, tập dần rồi sẽ làm được...”.
 
Mọi thứ dần quen, tuy chỉ còn một tay nhưng lão ngư này làm việc chẳng kém gì ai. Rạng sáng lại đánh ghe ra khơi, ra lộng, chiều về lại vác cuốc ra đồng. Tăng thu nhập cho gia đình, nuôi bò vỗ béo, nuôi 2 - 3 con lợn mạ năm đẻ 2 - 3 lứa, nuôi thêm đàn gà, vịt xấp xỉ 100 con. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, vợ chồng lão xây được 2 căn nhà khang trang, nuôi 4 con ăn học nên người. 
 
Bà Châu - vợ ông Ba cho hay: “Hai anh con trai đầu vào Nam làm ở công ty xây dựng được dăm năm thì công ty giải thể về nhà. Vợ chồng bàn nhau làm ở quê thì cũng khó nên nổi, bèn gom góp cho các cháu đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Anh con trai thứ 3 thì cho ở nhà, góp vốn cùng anh em bạn bè mở xưởng gò hàn. Cô con gái út năng động hơn nên tự kiếm việc làm lương tháng cũng được 6 - 7 triệu đồng/tháng... Thằng cả đi lao động nước ngoài rồi nên duyên kết hôn, sinh cháu. Có cháu rồi, 2 năm rày, tôi bàn với ông nghỉ bè nghỉ lưới, ở nhà chăm cháu, làm nông, chăn nuôi. Chăn nuôi ít thôi nhưng mình chăm nên cũng khá, năm cũng thu nhập mức 30 - 40 triệu đồng”.
 
Xa biển, ông Ba nhớ lắm. Lâu lại ra biển ngắm ghe, nốc lướt trên mặt nước mênh mông, mơ về những con cá Ông - vị thần của biển; về nhà lấy đám lưới đã treo lên trần nhà kiểm tra coi có hư hại không, gỡ rối rồi xếp lại cất kỹ. Ông Ba tâm tình: “Dạo này, nghe tổ đồng quản lý nghề cá bảo nhờ công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quan tâm nên cá lại về nhiều, sản lượng đánh bắt tăng, thu nhập cũng khá 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, nhiều nhà sắm lại lưới ghe để đánh bắt cũng thấy vui vui.
 
Nhưng tôi vẫn ủng hộ việc các cháu thoát ly khỏi nghề đánh bắt nhỏ này. Nếu đánh bắt thì nên đóng thuyền lớn đánh bắt xa bờ, vừa mang lại hiệu quả cao, vừa bảo vệ chủ quyền đất nước trên biển...”.
 
 Thanh Sơn