Thậm chí nhiều lãnh đạo xã "chấp nhận bị phê bình" khi áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chặt chẽ hơn so với quy định. Để rồi những nỗ lực đó đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, khi phần lớn các xã hiếm hoi thuộc vùng xanh hiện nay tập trung ở các huyện vùng cao.
Nỗ lực tuyên truyền
Hơn 1 tháng nay, tiếng loa phát thanh rôm rả khắp mọi ngóc ngách ở bản biên giới Chà Nga, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Đây là bản xa nhất của xã Mỹ Lý, và cũng là một trong những bản xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Nghệ An. Bản này không có điện, cũng chẳng có sóng điện thoại nên người dân gần như không thể tiếp cận được thông tin để phòng dịch. Phát thanh lưu động vì thế là kênh truyền thông duy nhất để đưa thông tin đến với bà con.
Dưới cơn mưa phùn, cộng thêm cái rét thấu da thịt của nơi thượng nguồn sông Lam, một nhóm cán bộ trẻ của xã Mỹ Lý vẫn miệt mài chạy xe máy khắp mọi bản, làng với nỗ lực tuyên truyền. Con đường từ trụ sở xã Mỹ Lý đi bản Chà Nga chỉ khoảng 20 km, nhưng do đất đá lởm chởm, trơn trượt nên phải mất gần 3 tiếng, cả nhóm mới “trườn” được xe máy tới tận bản.
Nội dung tuyên truyền ngoài các biện pháp phòng dịch mà Chính phủ đưa ra, các khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, xã Mỹ Lý cũng chú trọng đến việc kêu gọi bà con hạn chế tổ chức làm vía, cưới hỏi và các hoạt động vui chơi, giải trí.
“Đối với bà con trên này, ra Tết thường tổ chức làm vía tụ tập đông người. Người Mông cũng hay tổ chức đám cưới vào dịp ra năm. Nhờ nỗ lực tuyên truyền nên người dân đã hạn chế rất nhiều, nếu tổ chức thì cũng rất ít người tham gia và tuân thủ quy định phòng dịch”, ông Lương Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói và cho hay, toàn xã có 12 bản thì có đến 9 bản đến nay vẫn chưa có điện, 1 bản vừa có điện trước tết Nguyên đán ít ngày. Chính vì thế, phát thanh lưu động là kênh tuyên truyền rất quan trọng.
Cũng nhờ những biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nghiêm ngặt mà trong vòng 3 tháng qua, xã Mỹ Lý chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm Covid-19. Đặc biệt, 6 ca bệnh này đều được cách lý điều trị kịp thời, không có ca bệnh thứ phát, lay lan ra cộng đồng.
“Chúng tôi vẫn giữ quy định người từ vùng khác đến trước tiên phải đến trạm y tế khai báo, làm xét nghiệm. 6 ca bệnh này chủ yếu là giáo viên về quê ăn Tết lên và học sinh theo học dưới TP. Vinh. Họ được phát hiện ngay sau khi đặt chân lên địa bàn xã nên không để lây lan”, ông Bảy nói. Xã Mỹ Lý có lượng lao động đông đảo làm ăn xa về quê ăn Tết. Tuy nhiên, do được tuyên truyền mạnh nên người dân cơ bản đều tuân thủ đến khai báo, làm xét nghiệm ngay khi về tới quê.
Tương tự xã Mỹ Lý, nhưng ngày này, tiếng loa phát thanh lưu động phát liên tục khắp mọi bản làng ở xã Hữu Kiệm. Dù nằm cạnh đường 7, lại giáp ranh với thị trấn Mường Xén, lượng người qua lại đông đúc nhưng dịp tết Nguyên đán đến nay, xã Hữu Kiệm mới chỉ ghi nhận 26 F0. Phần lớn các ca nhiễm là học sinh theo học ở thị trấn Mường Xén. Thiếu tá Nguyễn Văn Trường – Trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho rằng, để có được kết quả này, một phần nhờ vào công tác tuyên truyền “không biết mệt mỏi” trong suốt thời gian dài.
Theo đó, xã thành chia thành 3 tổ, mỗi tổ khoảng 5 - 7 người chạy khắp các bản để tuyên truyền lưu động. Thành viên trong tổ là cán bộ xã, chủ yếu là công an, quân sự, đoàn thanh niên. Dọc đường tuyên truyền, nếu thấy người dân không đeo khẩu trang, tổ tuyên truyền sẽ dừng lại nhắc nhở, đồng thời phát khẩu trang miễn phí. Ngoài ra, tổ còn thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nói chuyện trực tiếp, vận động bà con không tổ chức làm vía, không tụ tập đông người.
“Chúng tôi theo chiến lược "mưa dầm thấm lâu". Cứ mỗi ngày 2 buổi, các tổ tuyên truyền sẽ đi khắp các bản. Từ ra Tết đến nay, các tổ đi không sót một ngày nào. Với cùng một lộ trình ấy và với cùng nội dung tuyên truyền do xã đã soạn sẵn ấy. Tuyên truyền nhiều thì người dân cũng phải thấm thôi. Ngoài phát thanh lưu động, các loa phát thanh cố định ở các bản cũng được mở liên tục”, Thiếu tá Trường nói thêm.
Không chỉ Mỹ Lý và Hữu Kiệm, một lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hầu hết các xã trên địa bàn huyện hiện vẫn đang kiên trì tuyên truyền bằng phát thanh lưu động tới bà con để phòng dịch. “Việc tuyên truyền lưu động như vậy dù cán bộ khá vất vả vì đường sá đi lại khó khăn nhưng mạng lại hiệu quả cao. Đối với vùng cao thì đây là kênh tuyên truyền hữu ích nhất”, vị này nói.
Những vùng xanh hiếm hoi
Tính đến hết ngày 20/2, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm Covid-19. Toàn tỉnh có 460 xã, phường, thị trấn thì đã có đến 168 xã, phường là vùng đỏ; 114 xã vùng cam; 117 xã vùng vàng và chỉ còn 61 xã vùng xanh, vùng bình thường mới. Điều đặc biệt, phần lớn các xã vùng xanh, vùng vàng đều tập trung ở các huyện miền núi. Còn các địa phương vùng xuôi như TP. Vinh, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn…. Không có một xã nào vùng xanh, mà hầu hết là vùng đỏ.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, các huyện có số ca nhiễm ít nhất hiện nay gồm có Con Cuông (862 F0), Kỳ Sơn (819 F0), và Tương Dương (664 F0). Trong khi đó, tại TP. Vinh chỉ tính từ ngày 13/6 đến nay đã ghi nhận gần 12.000 ca nhiễm Covid-19. Vài ngày trở lại đây, mỗi ngày trung bình TP. Vinh phát hiện từ 700 đến gần 1.000 F0. Còn lớn hơn cả các huyện miền núi trong suốt 2 năm qua. TP. Vinh có quy mô dân số chỉ gấp 4 lần huyện Tương Dương, nhưng số F0 thì đã gấp gần 20 lần huyện này. Tương tự là các địa phương như Quỳnh Lưu, hiện cũng đã vượt ngưỡng 1.000 F0 ghi nhận trong 1 ngày…
Ông Vy Xuân Chiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết, không chỉ là địa phương có số F0 ít nhất cả tỉnh, hiện nay trên địa bàn cũng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì Covid-19.
Để duy trì vùng xanh như hiện nay, từ trước tết Nguyên đán, các địa phương ở huyện Tương Dương đã đưa ra nhiều giải pháp nghiêm ngặt, chặt chẽ để phòng dịch vì nhận định lượng lao động về quê ăn Tết đông, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Thậm chí, nhiều lãnh đạo xã khẳng định chấp nhận phê bình vì đưa ra biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn so với quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho địa phương.
Theo đó, hầu hết các xã ở vùng cao nói chung và huyện Tương Dương nói riêng đều yêu cầu người dân về quê ăn Tết hoặc cán bộ dưới xuôi ăn Tết xong trở lại làm việc đều phải đến trạm y tế khai báo, làm xét nghiệm. Những trường hợp không tuân thủ sẽ bị xử lý nghiêm. Sau khi khai báo, tùy vào từng trường hợp đến từ vùng nào, xã sẽ quyết định đưa đi cách ly tập trung hoặc cho phép cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Để có địa điểm cách ly tập trung, nhiều xã còn kêu gọi bà con góp sức vào rừng chặt tre, dựng lán tạm. Không chỉ có nỗ lực của chính quyền, nhờ được tuyên truyền sâu rộng, ý thức của người dân vùng cao trong công tác phòng dịch cũng rất cao. Nếu phát hiện hàng xóm không tuân thủ, nhiều người dân sẽ chủ động trình báo với chính quyền để có những biện pháp kịp thời.
“Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa thay đổi chiến lược phòng dịch. Vẫn làm các biện pháp nghiêm ngặt như ngày đầu. Đặc biệt là công tác truy vết F1 vẫn được tiến hành một cách chặt chẽ, với quyết tâm không bỏ lọt người nguy cơ cao ra cộng đồng”, ông Vy Xuân Chiến nói thêm.
Trong khi đó, nhiều địa phương ở miền xuôi hiện nay đã không còn tổ chức truy vết F1. Tâm lý chủ quan không chỉ xuất hiện ở người dân mà còn các cán bộ, lãnh đạo địa phương.
Về công tác phòng dịch, cứ nhắc đến các huyện miền núi là lãnh đạo ngành yên tâm. “Các huyện vùng cao phòng dịch rất có trách nhiệm. Trong khi đó, nhiều địa phương vùng xuôi lại lơ là, chủ quan. Kết quả như thế nào thì cũng đã thấy rõ”, tâm lý chủ quan rất nguy hiểm. Bởi số ca nhiễm tăng cao sẽ gây nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Khi hệ thống y tế bị quá tải, người bệnh nếu không được chăm sóc y tế kịp thời có thể nhanh chóng chuyển nặng và tử vong. Mặt khác, số ca nhiễm quá nhiều gây phân tầng người bệnh sai, dẫn đến hiện tượng "quá tải ảo" - tức người nặng, cần điều trị không được hỗ trợ y tế, trong khi người nhẹ hơn lại được tiếp cận y tế sớm. Đặc biệt là số ca tử vong ở Nghệ An trong những ngày qua đã có dấu hiệu gia tăng. Có ngày thậm chí có đến 7 trường hợp tử vong vì Covid-19.