Ở nơi làm việc không có ngày nghỉ
Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02) đã cận kề nhưng với những cán bộ y tế ở trạm y tế xã, phường, thị trấn vẫn tất bật với công tác phòng, chống dịch COVID-19. 3 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, xâm nhập, đe dọa sức khỏe người dân thì những bó hoa, lời chúc, liên hoan, giao lưu văn nghệ, thể thao nhân ngày lễ trọng đã là một kỷ niệm đẹp…
Sáng đầu tuần tại Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, các cán bộ y tế ở trạm đã vùi đầu vào “một núi” công việc. 3/6 cán bộ của trạm trong trang phục phòng hộ lo cho công việc lấy mẫu test nhanh phát hiện ca nhiễm. Thị trấn Kim Sơn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 4 (nguy cơ rất cao – vùng đỏ). Trung bình mỗi ngày ở thị trấn vẫn ghi nhận trên 15 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong buổi sáng này, hàng chục người dân có biểu hiện nghi ngờ, có lịch sử tiếp xúc với F0 lên trạm để xét nghiệm.
3 cán bộ của trạm còn lại thì lo công tác ghi nhận thông tin ca nhiễm, liên lạc nắm bắt tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại nhà xem có cần hỗ trợ gì không, tư vấn sức khỏe và đưa ra các giải pháp điều trị. Ở thời điểm hiện tại, thị trấn đang có trên 160 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà... Khi xuất hiện các tình huống như sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu; người nghi nhiễm nhưng không thể lên trạm test nhanh; cùng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thị trấn thẩm định điều kiện cách ly tại nhà thì họ lại lên đường xuống từng hộ gia đình.
Y sỹ Vi Thị Phượng - Trưởng Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn (phụ trách Trạm Y tế lưu động) luôn tay gọi điện, dặn dò: “Bất cứ khi nào bác thấy có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở hoặc đau đớn như thế nào thì phải gọi ngay số điện thoại đường dây nóng của trạm y tế. Bọn cháu sẽ có mặt ngay lập tức!”… Mỗi ngày, y sỹ Phương vẫn thực hiện hàng trăm cuộc nghe, gọi điện thoại liên quan đến dịch.
Y sỹ Vi Thị Phượng chia sẻ về khó khăn của công tác chống dịch giai đoạn sau tết Nguyên đán tới nay: Dịch ở địa phương diễn biến hết sức phức tạp; ca nhiễm cộng đồng nhiều; nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Người dân khu vực vùng cao vẫn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ về dịch bệnh. Điều kiện nhà ở của nhiều bệnh nhân không đảm bảo việc cách ly, điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp phải đưa lên điều trị tại cơ sở cách ly tập trung của huyện cũng như khu B của Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Khối lượng công việc rất lớn, chị em ở trạm luôn trong tình trạng quá tải.
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cán bộ y tế nói chung và ở trạm y tế nói riêng rất vất vả. Trong điều kiện nhân lực có hạn, Trạm phải cùng lúc xử lý nhiều phần việc từ nhận thông tin khai báo, phân loại cách ly điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin phòng COVID-19, xử lý các trường hợp bất thường về sức khỏe. Ngoài công tác phòng, chống dịch COVID-19, ở trạm y tế còn phải làm rất nhiều phần việc khác như khám, chữa bệnh ban đầu, truyền thông, quản lý bệnh không lây nhiễm, phòng, chống HIV, phòng, chống lao, cấp phát Methadone, vệ sinh môi trường…
Chị Trần Nhung - cán bộ Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn tâm tình: “Việc chồng việc”, chị em ăn, ngủ đều tranh thủ, khẩn trương rồi lại nhanh chóng vào việc. Công tác phòng, chống dịch đòi hỏi các cán bộ ở trạm làm việc với công suất 200-300%, không một lúc nào ngơi tay. Ai cũng rất mệt mỏi, lo lắng song mọi người đều xác định đây là trách nhiệm của người cán bộ y tế - tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân nên đều cố gắng.
"Lấy trạm là nhà"
Ở thời điểm này, dịch COVID-19 ở Nghệ An vẫn đang bùng phát mạnh. Mỗi ngày, tỉnh vẫn ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm mới, trong đó, có trên 500 ca cộng đồng. Không riêng gì thị trấn Kim Sơn mà cả 460/460 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều đang phải đương đầu với dịch. Ngăn chặn đại dịch, các cán bộ y tế đã “lấy trạm làm nhà” không quản ngại vất vả, bất kể đêm ngày, hy sinh những giây phút đoàn tụ, hạnh phúc riêng tư để chống dịch…
Sự hy sinh của người cán bộ y tế nói chung và y tế cơ sơ nói riêng giai đoạn này là rất lớn. Tuy nhiên, đáng buồn là đâu đó vẫn có những người gây áp lực không đáng có, nói lời vô ơn như “Ngành Y tế chỉ có thể giúp bạn biết bạn dương hay âm tính mà thôi”… Sự gây áp lực đó đang làm tổn thương đến những cán bộ y tế. Đã có một cán bộ trạm y tế đã viết lên mạng xã hội rằng: “Xin đừng gây áp lực cho cán bộ y tế, bởi chúng tôi đã gồng gánh hết sức mình rồi. Các bạn ngủ chúng tôi thức, các bạn đi chơi chúng tôi làm. Các bạn có quyền đòi hỏi còn chúng tôi chỉ biết im lặng phục vụ. Y tế 3 năm rồi không có ngày lễ, không có thời gian để chăm lo gia đình. Bữa cơm cũng ăn vội, nước cũng chẳng kịp uống…
…Những tháng ngày qua chúng tôi đã cố gắng thật nhiều, đã chiến đấu hết sức mình rồi. Hãy hiểu, thông cảm cho chúng tôi nhiều hơn một chút có được không ạ? Đừng tạo thêm áp lực cho chúng tôi được không ạ? Đừng đòi hỏi quá nhiều, Bởi vì chúng tôi cũng biết tổn thương…”.
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) đã cận kề. Người cán bộ y tế không mong những đóa hoa, lời chúc. Họ chỉ mong mọi người dân hiểu, thông cảm, hợp tác và thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh. Có như vậy, cuộc sống mới trở về trạng thái bình thường và bản thân người cán bộ y tế đỡ phần vất vả hơn.