(Baonghean) - Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp tổ chức đối thoại với tổ trưởng hàng trăm tổ dân vận. Qua đó, nhiều vấn đề dân sinh nổi cộm, bức xúc được phản ánh đến các đồng chí lãnh đạo huyện và những người có trách nhiệm đã đưa ra phương án giải quyết cho mỗi vấn đề.

Người dân xung phong “bắt” xe quá tải
 
Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến của các tổ trưởng tổ dân vận các địa phương về dự cuộc đối thoại giữa Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp với hàng trăm tổ trưởng tổ dân vận vào ngày 23/12. Đồng chí Vi Đình Cẩn - Bí thư Chi bộ bản Cố, xã Châu Thái cho biết, tuyến đường Châu Quang vào Thái Học đi qua địa bàn xã đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015. Nhưng nhân dân chưa kịp mừng thì đường đã bắt đầu xuống cấp.
 
image_6307562.jpgCác đồng chí trong Thường trực Huyện ủy trao đổi bên lề hội nghị.
 
“Tôi đề nghị phải có giải pháp kiểm soát, khắc phục tình trạng xe quá khổ, quá tải”, đồng chí Cẩn nhấn mạnh. Cũng đề cập đến vấn đề này, đồng chí Vi Văn Dũng - Bí thư Chi bộ bản Cong, xã Châu Hồng đặt câu hỏi: “Nếu nhân dân ghi được hình ảnh xe quá khổ, quá tải qua địa bàn gửi cho lực lượng công an thì có xử lý nguội được không?”.
Đồng chí Vi Văn Dũng, tổ trưởng tổ dân vận bản Cong, xã Châu Hồng phát biểu về thủ tục phạt nguội xe quá khổ, quá tải

Đăng đàn trả lời, Thượng tá Lang Xuân Dung - Phó trưởng Công an huyện Quỳ Hợp thừa nhận những phản ánh trên của các đồng chí tổ trưởng dân vận cơ sở là đúng.Tuy nhiên, so với tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn thì đây là số lượng rất nhỏ.

Nếu người dân ghi hình, chụp hình được phương tiện vận tải quá khổ, quá tải thì lực lượng công an vẫn có thể xử lý được. “Tuy nhiên, sau khi chụp ảnh, ghi hình, người dân phải đến gặp trực tiếp công an xã để lập biên bản ghi rõ ngày, tháng, địa điểm xảy ra sự việc; lưu lại băng hình, hình chụp và cam đoan các hình ảnh cung cấp hoàn toàn khách quan và không có chỉnh sửa để chuyển lên công an huyện xử lý”, đồng chí Dung lưu ý.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp yêu cầu, Công an huyện phải có văn bản hướng dẫn cho các xã và giao cho công an xã trước ngày 31/12 để tiếp nhận xử lý xe quá khổ, quá tải theo hình thức phạt nguội với sự giúp đỡ của nhân dân.

Buổi đối thoại còn sôi nổi với những ý kiến liên quan đến các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh như hệ thống đập thủy lợi, cầu dân sinh... Đồng chí Phạm Văn Vinh - Tổ trưởng tổ dân vận xóm Hợp Hưng, xã Châu Đình nêu lên tình trạng đập Học Mợi phục vụ nước sản xuất cho nhân dân xóm Hợp Hưng, bản Thịnh và bản Còi nhưng đã xuống cấp, không đảm bảo nước tưới tiêu.
 
Trả lời vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã lên khảo sát đập Học Mợi; nhưng do ngân sách khó khăn nên đang ưu tiên nguồn vốn cho những công trình có tính chất bức thiết hơn, có mức ảnh hưởng lớn hơn đến đời sống nhân dân.
 
UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo hỗ trợ giống cho nhân dân các bản trên chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa nước sang trồng cạn. Quỳ Hợp còn 260 công trình thi công dở dang với tổng kinh phí đã được phê duyệt là 1.050 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã trả được khoảng trên 500 tỷ đồng; còn nợ nhà thầu 185 tỷ đồng. Để xây dựng hoàn thiện các công trình đó, huyện cần phải có nguồn kinh phí khoảng 430 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách bố trí xây dựng các công trình này rất khó khăn, năm nay chỉ được hơn 22 tỷ đồng. Do đó, theo thứ tự ưu tiên, huyện phải tập trung cho những dự án có tính chất lan tỏa lớn hoặc khẩn cấp trước.
 
Đồng chí Lương Văn Kình, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tiếp tục đối thoại sâu rộng

Xác định các hội nghị đối thoại là diễn đàn để mở rộng dân chủ và là một trong những cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân; đồng thời cũng là kênh để nhân dân thấy rõ được những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm tạo sự đồng cảm và sẻ chia. 

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Bí thư Huyện ủy khẳng định, sau cuộc đối thoại, Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu thông báo kết luận. UBND huyện tiếp tục tiếp thu và có giải pháp giải quyết; đồng thời chỉ ra thời gian cụ thể để trả lời kết quả giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND huyện. 

Hội nghị tiếp xúc đối thoại với các tổ trưởng tổ dân vận được Huyện ủy Quỳ Hợp khởi động vào cuối năm 2015. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp chia 8 tổ công tác chỉ đạo cơ sở (đã có quyết định thành lập) do tổ trưởng là ủy viên ban thường vụ phụ trách, dưới tổ trưởng là các đồng chí trong BCH Đảng bộ huyện, rồi đến các cán bộ phòng, ban, ngành và cuối cùng là các tổ chức cơ sở đảng.

Giải pháp này sẽ phân cấp, giao quyền và gắn trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, BCH Đảng bộ huyện cũng như các tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện công tác. Các kênh đối thoại sẽ làm công khai, dân chủ, xen kẽ thời gian, nội dung để tránh trùng lặp và có sự tiếp nối nhằm nắm bắt kịp thời thông tin từ cơ sở và có giải pháp điều hành, chỉ đạo kịp thời, sâu sát. Đây cũng là tiêu chí để chấm loại thi đua của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên”, đồng chí Võ Thị Minh Sinh khẳng định.

Trước Hội nghị tiếp xúc, đối thoại sáng 23/12/2015, khối dân vận cơ sở của huyện Quỳ Hợp đã ghi nhận 360 ý kiến, phản ánh, kiến nghị, đề xuất. Trong đó có 285 lượt ý kiến thuộc thẩm quyền trả lời của cấp xã, thị trấn; 75 ý kiến thuộc thẩm quyền trả lời của cấp huyện. Tại cuộc đối thoại, tiếp tục có hàng chục ý kiến của các tổ trưởng tổ dân vận.
Nhật Lệ