Những ngày này, vào bất cứ nhà nào trong xã cũng bắt gặp cảnh người dân đang chẻ củi, đắp lò, tất bật nấu rượu để phục vụ dịp Tết. Với vùng đất được mệnh danh là “đất rượu” này, Tết dường như đến sớm hơn.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lang Thị Thân, một trong những hộ có truyền thống nấu rượu từ nhiều đời nay. Bà Thân cũng là người đầu tiên đưa rượu men lá của bản bán ra các địa phương lân cận. Bà Thân cho biết, những ngày giáp Tết, số lượng rượu gia đình sản xuất thường tăng gấp đôi, gấp ba nhưng vẫn không đủ để bán.
bna_image_5121184_312018.jpgNguyên liệu để nấu rượu là các loại lá rừng được rửa sạch, chặt nhỏ rồi đem phơi khô. Ảnh: Minh Hạnh
 Đến bản Phục, phải ngồi lại nhấp chén chè, thử chén rượu, ấy mới được coi là đến thăm.
 Theo chia sẻ của bà Thân, điều làm nên sự khác biệt chính là men rượu. Rượu men lá của người Thái ở bản Phục khi uống có hương vị ngọt mát, dịu, êm hơn các loại rượu khác. Rượu dù uống say vẫn cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là đặc điểm riêng có của rượu men lá. 
 
Men lá nấu rượu được làm từ lá thuốc bắc với bột gạo nếp. Để có được men tốt, tạo hương vị đặc trưng, bí quyết quan trọng nhất chính là các loại lá hái trên rừng về phơi để dùng dần; các loại cây rừng như: cây sa nhân, cây cao khỉ, cây mẫu thán, trinh nữ… có sẵn trong tự nhiên, đều là những vị thuốc với các công dụng như giải độc, giải nhiệt.
Làm men rượu phải có tới 20 vị kết hợp với nhau. Ảnh: Minh Hạnh
Các loại lá rừng sau khi lấy về sẽ được tách phần lá và phần thân cây riêng ra. Phần lá phơi khô giã nhỏ trộn với bột nếp, vỏ trấu hông chín; phần thân cây chặt nhỏ, phơi khô rồi đem chưng cất, lấy nước trộn với hỗn hợp trên rồi vắt thành từng viên men.

Cách ủ men cũng như thời gian ủ men phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, mỗi gia đình có bí quyết ủ men riêng. Thời gian ủ trung bình khoảng 8 ngày vào mùa hè, 10 ngày vào mùa đông, men ủ được càng lâu thì rượu uống càng êm.

Khi đã làm được men thì phải chọn gạo nấu cơm rượu. Loại gạo được chọn nấu là gạo nếp được vò sạch rồi cho vào hông, sau khi hông chín để nguội trộn với men rồi cho vào chum ủ từ 7-10 ngày, sau đó cho nước vào ủ thêm khoảng 10 ngày cho vào hông  chưng cất thành rượu. Quá trình cất phải dùng củi đun đều lửa, không cho cháy to quá cũng không nhỏ quá để rượu ra từ từ. Rượu men lá trở nên quý cũng vì cách làm kỳ công như thế...

Cách ủ men cũng phải có bí quyết riêng. Thường men được xếp vào một cái nong to, phía dưới được trải một lớp trấu. Ảnh: Minh Hạnh
Sau khi cất xong một nồi rượu, rượu được rót vào chum để khoảng 30 ngày mới bán, lúc này rượu đạt đến độ thơm ngon nhất định, khi uống êm, cảm thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi. Cái hay của rượu men lá ấy là khi uống không bị cái nóng bốc phừng phừng lên mặt hay bị đau đầu...
 

Không khí những ngày giáp Tết ở đây rất sôi động, tấp nập người ra vào. Hiện nay ở Đôn Phục đã thành lập 2 tổ nhóm nấu rượu tại bản Xiềng và Bản Phục. Riêng tổ tại bản Phục có 14 hội viên do bà Lang Thị Thân làm tổ trưởng. Bà Thân cho biết, với 10 kg gạo nếp sẽ “siêu” được 13 lít rượu. Bình quân mỗi tháng, một hội viên nấu khoảng 1,5 tạ gạo; với giá bán trung bình 40.000 đồng/lít trừ chi phí có nguồn thu trên 4 triệu đồng.

Quá trình chưng cất phải dùng củi đun đều lửa, để rượu ra từ từ. Ảnh: Minh Hạnh
Vào dịp Tết, số lượng rượu bán ra tăng gấp đôi, gấp ba, giá bán cũng dao động đáng kể. Rượu được các tổ nhập cho các nhà hàng trong huyện, có những mối hàng quen ở Thái Nguyên, Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.

Tết cổ truyền đang cận kề, những mẻ rượu men lá thơm ngon nhất đang được người dân ở đây nấu để cung cấp cho thị trường. Đã từ lâu, rượu men lá Đôn Phục trở thành một thứ đồ uống rất riêng của đồng bào miền núi, một thứ gia vị không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.