(Baonghean) - Liên hoan Tiếng hát Làng Sen đã trở thành một cuộc tổng duyệt văn nghệ quần chúng, ngày hội liên hoan nghệ thuật hát về Bác Hồ, về Đảng, về quê hương, đất nước được tổ chức từ cơ sở đến tỉnh và quy mô toàn quốc, góp phần động viên nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cách mạng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ năm 1982 đến nay, cứ vào độ tháng Năm về, khắp bản, làng, đơn vị, xã, huyện, tỉnh đều tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen - hát về Bác Hồ mừng ngày sinh nhật của Người. Khi còn là tỉnh Nghệ Tĩnh, năm cao nhất có 33 đoàn tham gia.
Năm 1999, tỉnh ta có tới 19 đoàn tham gia Liên hoan NTQC Tiếng hát Làng Sen. Riêng Liên hoan NTQC Tiếng hát làng Sen toàn tỉnh năm 2009, với chủ đề "Quê hương nghĩa trọng tình cao" đã được diễn ra đồng thời trong một không gian rộng từ TP Vinh đến huyện Nam Đàn. Tại Rạp 12/9 đã có 19 đoàn NTQC của các huyện, thành, thị tham gia với gần 500 diễn viên biểu diễn 100 tiết mục.
Còn ở quy mô toàn quốc, Liên hoan NTQC Tiếng hát Làng Sen lần thứ nhất được tổ chức vào 19/5/1982, thu hút sự tham gia của các đoàn NTQC đến từ Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa TƯ, Nghệ Tĩnh và đội văn nghệ Làng Sen. Đây là Liên hoan mở đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau cuộc liên hoan lần thứ nhất, nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã hưởng ứng, đồng ý tham gia Liên hoan NTQC Tiếng hát Làng Sen. Năm 1985 có 14 tỉnh, thành, ngành trong cả nước - nơi in dấu chân của Bác Hồ trong suốt thời gian Người đã sống và hoạt động CM tham dự liên hoan.
Đến năm 1990, có 23 đoàn tham gia, năm 1995 có 29 đoàn, năm 2000 có 34 đoàn, năm 2005 - năm Kỷ niệm 975 năm danh xưng Nghệ An, Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ 32 đoàn NTQC của 32 tỉnh, thành, ngành trong cả nước về tham dự Liên hoan. Và năm nay - năm Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút 20 đoàn NTQC của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với 571 diễn viên tham dự.
Điểm mới của Liên hoan NTQC Tiếng hát Làng Sen năm nay đó là sự tham gia lưu diễn phục vụ nhân dân 10 huyện, thành trong tỉnh, từ các vùng lân cận như TP Vinh, TX Cửa Lò, Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, TX Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn của 20 đoàn NTQC nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân các vùng xa trung tâm thành phố, thị xã.
Không thể không nhắc tới đó là trong những năm diễn ra Liên hoan Tiếng hát làng Sen, đã xuất hiện hàng chục trại sáng tác, hàng trăm bài hát của các nhạc sỹ trong cả nước "cung cấp" cho liên hoan. Những bài như: "Người là niềm tin tất thắng" của Chu Minh, "Miền Trung nhớ Bác" của Thuận Yến, "Ngôi sao tháng Năm" của Ánh Dương, "Xôn xao bến cảng Nhà Rồng" của Hồ Hữu Thới, "Người mẹ Làng Sen" của Lê Hàm, "Những bông hoa trong vườn Bác" của Văn Dung, "Hành hương về xứ Nghệ" của Nguyễn Cường... đều ra đời vào dịp Liên hoan NTQC Tiếng hát Làng Sen. Người đều viết thể hiện tấm lòng với Bác Hồ, người biểu diễn cũng tràn đầy cảm xúc với Người. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên đã khẳng định được tên tuổi của mình qua những cuộc liên hoan như nghệ sỹ ưu tú Tiến Dũng, NSƯT Lệ Thanh, NSƯT Ngọc Hà của tỉnh Nghệ An, Ngọc Hoan của tỉnh Cao Bằng, NSƯT Trung Đức của thủ đô Hà Nội, Hồng Ngự của tỉnh Yên Bái, Sùng Thị Mai của Hà Giang, Y Moan của Gia Lai...
Lòng kính yêu đối với Bác Hồ đã khiến cho liên hoan NTQC Tiếng hát Làng Sen ngày càng được đông đảo lãnh đạo các địa phương, các ngành, các cấp, các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc sỹ, đạo diễn, diễn viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, và đã trở thành liên hoan truyền thống của toàn tỉnh và trong cả nước. Nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố về dự liên hoan toàn quốc đã ví cuộc liên hoan này như "một cuộc" diễu binh nghệ thuật, là một lần ngành Văn hóa cả nước báo công lên Bác.