Hơn 3 năm Nghị quyết toàn quốc lần thứ XII được thực hiện, đây là giai đoạn chuẩn bị công tác cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng. Việc rà soát, chuẩn bị các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy quản lý đang được tiến hành với quyết tâm “ai chạy chức, chạy quyền thì dứt khoát không dùng”, “tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì phải kỷ luật”.
Vậy bài học nào được rút ra để phát hiện, loại bỏ những kẻ cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền để xây dựng đội ngũ cán bộ xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, sự giao phó của nhân dân.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nhìn vào con số xử lý đảng viên trong thời gian qua cho thấy những con số này tăng dần theo các năm, không phải càng ngày chất lượng đảng viên càng xấu mà do chất lượng đầu vào ở những năm trước kém. Do những tồn tại của những năm trước lớn.
Hơn nữa, trong quá trình đưa cán bộ vào vị trí đã không kiểm soát được họ. Ngay từ đầu, cán bộ có thể tốt nhưng sau này có thể tha hóa theo thời gian, đặc biệt khi có quyền lực thì càng nhanh tha hóa. Cộng với việc đợt này chúng ta phát hiện, kiên quyết xử lý nên mới có chuyện tại sao số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng càng tăng.
Người xưa đã nói: “Cái kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra” và khi lòi ra sẽ bị xử lý, cho nên số cán bộ bị kỷ luật tăng lên cũng đúng.
PV: Qua thanh lọc, rà soát cũng đã bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Và thực tế cũng đã để lại nhiều bài học đắt giá trong công tác này. Theo ông, những bài học đó là gì?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đúng như những chỉ đạo của Đảng gần đây, nhất là Kết luận số 43, ngày 28/12/2017, trong đó nêu: tiếp tục thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, nhất là đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử, giới thiệu cán bộ ứng cử, đào tạo, bồi dưỡng; những vấn đề liên quan đến việc thu hồi các quyết định đã ban hành nhưng vi phạm và đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra.
Điều đó cho thấy Đảng đang quan tâm tới bài học quy hoạch cán bộ, quy hoạch để đưa cán bộ vào vị trí, luân chuyển, bổ nhiệm. Nếu bài học này không rút ra nhanh, không chấn chỉnh thì sẽ hết sức nguy hiểm, bởi việc này tạo ra đội ngũ cán bộ kém chất lượng nhưng được “phủ một lớp áo”, được “đóng dấu chất lượng” - đây là điều rất nguy hiểm.
Buông lỏng quản lý là điều vô cùng nguy hiểm. Khi đặt cán bộ vào vị trí, làm Phó Chủ tịch, Phó Bí thư ở tỉnh nhưng buông lỏng, phó thác cho địa phương, hoặc tin tưởng quá vào con người họ.
Bài học tiếp theo là sự giám sát của Nhà nước, của nhân dân, báo chí, còn kiểm tra là công tác của Đảng, của các tổ chức, các Hội. Khâu này thời gian trước còn lỏng lẻo nên khi kiểm tra trong thời gian qua thấy nhiều cán bộ sai.
Bài học tiếp theo là lập trường, thái độ kiên quyết, dũng cảm trong khâu xử lý. Có nghĩa là phải dũng cảm, có “chủ lò”, có thợ “đốt lò”, có người sẵn sàng cung cấp củi. Xét cho cùng, nói như Tổng Bí thư là phải thực sự tìm ra người làm ra “lồng” và nhốt quyền lực vào trong “lồng”.
Còn một bài học nữa cần được rút ra đó là phải tôn trọng, lắng nghe nhịp thở của dư luận, nhân dân bởi chính nhân dân là người phát hiện, giúp cho Đảng làm trong sạch đội ngũ của mình.
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Việc đầu tiên cần nhìn nhận đó là tình trạng thị trường hóa chính trị, tạo ra “chợ” mua bán quyền lực, vị trí và tạo ra các cơ hội thông qua mua việc mua - bán đó. Ví dụ như mua bán bằng cấp, mua bán uy tín, sửa tuổi, sửa lý lịch, tô hồng các lý lịch mặc dù lý lịch nhập nhèm nhưng vẫn tìm cách, thông qua nhiều tầng nấc, cơ quan khác nhau để hợp thức hóa.
Gần đây nhất, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chất vấn Thủ tướng về 2 trường hợp ở Bộ Công thương, 1 trường hợp đi luân chuyển và 1 trường hợp được bổ nhiệm, lý lịch nhập nhèm, tại sao có những vấn đề vi phạm như vậy nhưng vẫn được bổ nhiệm hoặc đưa đi luân chuyển. Như vậy, cơ hội không chỉ ở bản thân người đó tạo ra mà những người khác đang tiếp tay cho họ.
Ý kiến này của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương rất quan trọng, tức là người chạy chức, chạy quyền tạo ra cơ hội, đồng thời cũng có những người giúp họ để tạo cơ hộ, cũng như chạy chức, chạy quyền, tức là những người đó nhận lợi ích vật chất, hoặc phi vật chất để đưa cán bộ lên những vị trí tiến thân. Họ đã không chọn những người có tài, có đức mà chọn “cánh hẩu”, cùng nhóm lợi ích.
Thủ tướng cũng đã nói: nghiêm cấm chọn người nhà mà phải chọn người tài. Tôi cho rằng, nhận diện việc này cũng rất dễ bởi bây giờ xã hội rất tỉnh táo, sẽ chỉ rõ ra, như lý lịch có những điểm thế này, chưa được tuyển dụng nhưng đã được như thế kia, hoặc anh đang làm ở khu vực tư nhân mà được bổ nhiệm vào làm trong cơ quan Nhà nước, anh quy hoạch ở chỗ nào? Rõ ràng là có câu chuyện chạy chức, chạy quyền. Trong xã hội, nhân dân có thể liệt kê hàng trăm dấu hiệu nhận diện chạy chức, chạy quyền, cũng như cơ hội chính trị.
PV:Theo ông, bên cạnh sự giám sát của nhân dân, dư luận xã hội, báo chí, cần có những giải pháp nào để phát hiện và gạt bỏ hết những kẻ cơ hội chính trị, chạy chức chạy quyền và những hành vi tiếp tay cho những việc làm đó?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Hiện nay chúng ta đã có Kết luận số 43 như đã nêu ở trên, đây là một trong những văn bản quan trọng để chuẩn bị rà soát lại một cách toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược để chuẩn bị cho Đại hội XIII.
Ở một khía cạnh nào đó, công tác kiểm tra của Đảng lúc này phải được đẩy mạnh. Tôi tâm đắc với chủ trương giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quyền kiểm tra ở cấp huyện, bởi vì cán bộ xã do cấp ủy cấp trên quản lý, và chúng ta cũng cần rà soát một cách nghiêm túc, có dư luận thì phải kiểm tra ngay.
Nhà nước cũng tăng cường công tác giám sát của dân cử. Tôi đã nêu trước Quốc hội rằng chúng ta đã giám sát tối cao tổ chức bộ máy Nhà nước, đó là giám sát phần vỏ ngôi nhà, bây giờ giám sát chặt chẽ công tác cán bộ thì giám sát nội thất ngôi nhà đó.
Tiếp theo là khâu thanh tra, kiểm tra nội bộ bởi có những vấn đề nảy sinh từ nội bộ mà ra. Làm sao để đội ngũ cán bộ thực sự có phẩm chất, tài năng, được cất tiếng nói phát hiện ngay trong nội bộ. Bởi nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, lý lịch không đến nơi đến chốn là do bên trong phát hiện.
Do đó, cần phát huy tinh thần của các đảng viên ngay trong tổ chức, cơ quan. Đó là một trong những giải pháp đảm bảo tính căn cơ cho việc phát hiện, nhận diện các tiêu cực.
PV: Thời điểm này, Trung ương và các địa phương đang chuẩn bị công tác cán bộ cho Đại hội XIII, theo ông, để tìm ra đội ngũ thực sự trong sáng, công tâm, gương mẫu thì yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy đảng, các địa phương như thế nào?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết, cần phải triển khai đúng các chủ trương về công tác cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 7. Thực hiện đầy đủ các hoạt động, các khâu về công tác kiểm tra của Đảng về đánh giá cán bộ.
Thông báo Kết luận số 43 của Trung ương có những vấn đề rất quan trọng, trong đó phải rà soát lại những tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền quản lý từ tháng 6/2012 đến nay, kể cả những trường hợp được bầu hoặc chỉ định tham gia cấp ủy địa phương, gồm cả cấp xã; chỉ đạo thu hồi các quy định, quyết định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp, đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có khuyết điểm vi phạm nếu có.
Phải rà soát lại đội ngũ cán bộ một cách thường xuyên, cập nhật các thông tin về cán bộ. Để làm được điều này thì cần phải lấy nhân dân làm gốc, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân cũng sẽ giúp chúng ta nhìn nhận những vấn đề về cán bộ; địa phương cũng phải dựa vào nhân dân, Mặt trận, các tổ chức của địa phương để đánh giá cán bộ đảng viên.
PV:Xin cảm ơn ông./.