Việc đầu tiên sinh viên phải làm là xác định mục đích của việc đi du học. Rất nhiều người nghĩ, cứ đi ra nước ngoài học cái đã, rồi đến đâu tính đến đó. Mục đích người ta thường nghĩ đến là hoàn thành khóa học. Suy nghĩ đó không hẳn là sai lầm, vì khi người ta đang chưa biết nước ngoài là cái gì cả, thì người ta không thể có một kế hoạch đầy đủ để thực hiện.

 Tuy nhiên, vì không có mục đích rõ ràng cho việc đi học, rất nhiều bạn đến khi học xong cũng không biết mình sẽ nên làm gì tiếp theo. Những người đó thường chật vật tìm hướng đi tiếp theo cho mình. Nếu sinh viên xác định được rõ mục đích mình muốn cho việc đi du học và dành thời gian lên kế hoạch cho mục đích đó, họ đã hoàn thành bước thứ nhất của hành trình. Rất nhiều người thay đổi mục đích của mình trong khi đi du học. Nhưng những người đã có sự chuẩn bị cho một mục đích, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc chuyển từ một mục đích này sang một mục đích mới.

 Sau khi hoàn thành bước thứ nhất, sinh viên nên lựa chọn cho mình một quốc gia, trường học, ngành học phù hợp với từng cá nhân và từng mục đích. Có rất nhiều người tin rằng, đi học người ngoài là tốt rồi, chỗ nào, ngành nào cũng hơn học ở Việt Nam. Quan điểm như thế không hẳn chính xác. Các trường đại học ở nước ngoài cũng “thượng vàng hạ cám”, nhiều trường có chất lượng kém hơn hẳn trường đại học Việt Nam. Vì vậy, xác định nơi mình đi học, dành những năm đẹp nhất của tuổi thanh xuân của mình ở đó là cực kỳ quan trọng. Nếu lựa chọn một nơi không tốt để học, người học sẽ mất rất nhiều công sức của mình để sửa. 

gianh_hoc_bong_va_tham_gia_cac_cuoc_thi7981341_3072019.jpgGiành học bổng và tham gia các cuộc thi là cơ hội cho các tân sinh viên được du học. Ảnh minh họa
Sau tìm được một nơi ưng ý và có khả năng để đi học, sinh viên nên bước vào giai đoạn chuẩn bị cho việc đi du học. Du học là phải đối mặt với cuộc sống xa gia đình, tự lập cho tất cả cuộc sống của mình ở một môi trường hoàn toàn xa lạ. Mình đã gặp không ít trường hợp không thể trụ lại môi trường học tập của mình và phải quay về Việt Nam sau một vài tháng ở nước ngoài. Việc quan trọng đầu tiên là phải tập làm quen với môi trường tự lập từ khi ở Việt Nam. Đi chợ, nấu ăn, rửa bát, quét nhà… là việc mà ai đi du học cũng phải làm thành thạo.
 Tùy từng quốc gia, người học có thể phải học lái xe ô tô để đi đến trường. Chuẩn bị, tìm hiểu kỹ về ngôn ngữ và văn hóa ở nước mình đến học. Rất nhiều thông tin về thành phố, trường học, ngành học có sẵn trên mạng internet, sinh viên nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu. Đi học ở nước ngoài thường đòi hỏi người học đọc sách rất nhiều, rất dày và hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Tập đọc sách chuyên ngành tiếng nước ngoài từ khi ở Việt Nam là một bước chuẩn bị cực kỳ tốt. Nếu đi học ở nước nói tiếng Anh, trang web www.coursera.org, www.edx.org có rất nhiều khóa học ngắn miễn phí có thể giúp người học làm quen với cách học khi đi du học. 
Trước khi nghĩ đến du học cần phải có lý do để nghĩ về điều đó. Ảnh minh họa
Trong quá trình học tập, dù ở bất kỳ nước nào, sinh viên thường có cơ hội để làm việc để kiếm thêm tiền. Rất nhiều bạn ở nước ngoài lựa chọn làm việc chân tay như rửa bát, cắt cỏ… để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Công việc tối ưu nhất cho bất cứ sinh viên nào ở nước ngoài là đi thực tập ở các công ty của nước sở tại. Mùa thực tập của sinh viên thường là vào 3 tháng mùa hè.
 Để được một công ty chấp nhận cho sinh viên thực tập, sinh viên phải tìm hiểu về công ty và nộp đơn xin thực tập từ 6 tháng đến 1 năm trước đó. Tìm được một chỗ để thực tập khá khó khăn, nhưng đó cũng là lúc sinh viên có thể phát triển kỹ năng tìm việc, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng chuyên ngành của mình một cách tốt nhất. Nếu sinh viên đã được làm thực tập trong khi học, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá sinh viên đó cao hơn rất nhiều sau khi họ học xong. Nếu có thể, sinh viên nên đi thực tập ở tất cả các mùa hè ở nước ngoài.
 Có một điểm quan trọng mà nhiều sinh viên và kể cả người đã đi làm chưa nhận ra tầm quan trọng của nó, đó là việc phát triển kỹ năng giải tỏa căng thẳng stress. Chơi thể thao, tập yoga, đi bộ, leo núi là những cách giải tỏa căng thẳng phổ biến. Kỹ năng giải tỏa căng thẳng tốt sẽ hữu ích rất nhiều cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp. Nó cũng là một kỹ năng cực kỳ cần thiết để phát triển nghề nghiệp sau này của sinh viên.
 Hy vọng, mỗi sinh viên sẽ là một đại sứ Việt Nam tốt ở nước ngoài. Và dù bất cứ bạn làm gì, ở đâu sau khi học xong, bạn sẽ mang kỹ năng của mình để đóng góp xây dựng quê hương bằng cách này, hay cách khác.