Vào vùng “quặng tặc”

Đầu tháng 7/2020, Báo Nghệ An nhận được nguồn thông tin ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang có tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh. “Các đối tượng này tìm được một vỉa quặng thạch anh rồi đưa thiết bị xe, máy tổ chức khai thác, vận chuyển đi từ khoảng 3 - 4 tháng nay…” - nguồn tin cho hay.

Xác minh từ nhiều nguồn khác nhau thì tin báo đến với Báo Nghệ An là có cơ sở. Khu vực có tình trạng khai thác trái phép được xác định là tại núi Lan Toong, thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Điểm khai thác là bên một con khe, trên vùng đất lâm nghiệp đã giao cho người dân quản lý, sản xuất theo Nghị định 163/NĐ-CP.

bna_c_c_quang_tac_4_nltv1301190_1572020.jpgTừ trên núi cao, có thể quan sát được khu vực bị khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: NLTV

Chắp nối các thông tin, ngược lên núi Lan Toong ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển, quan sát xuôi về hướng xã Châu Hồng thì thấy gần dưới chân núi có những khoảnh đất trống màu vàng quạch, rõ những dấu hiệu bị đào xới.

Hỏi thăm người dân đi làm trên núi thì được họ cho biết, khu vực này thuộc bản Poòng, xã Châu Hồng. “Phải đi bộ vào vì dốc cũng rất cao. Cứ đến cầu Châu Hồng 1, men theo khe cạn là có đường dẫn vào. …” - người dân cho biết.

Cầu Châu Hồng 1 là điểm đầu dẫn vào khu vực có tình trạng khai thác trái phép. Ảnh: NLTV

Đúng như người dân này hướng dẫn, con khe cạn ở cầu Châu Hồng 1 đã trở thành lối đi không chỉ phải của người dân địa phương, mà dành cho cả phương tiện vận tải cỡ lớn. Bởi trên lòng khe cạn, có nhiều vệt bánh xe tải qua lại thời gian chưa lâu.

Lòng khe cạn đầy những vệt bánh xe có tải trọng lớn. Ảnh: NLTV

Vượt qua lòng khe cạn chừng 300m, có một tuyến đường mới mở uốn theo vùng đồi đất lâm nghiệp đang được trồng cây keo có độ tuổi từ 4 - 5 năm. Tuyến đường này được làm khá công phu. Người ta đã cắt hạ chiều cao các sườn đồi, khai mở tuyến đường đủ rộng để xe có tải trọng lớn vào ra dễ dàng.

Đường dẫn vào khu vực khai thác trái phép được làm khá công phu. Ảnh: NLTV
Để làm đường, các đối tượng còn cắt hạ cả các khu vực đã trồng cây keo. Ảnh: NLTV

Đi trên con đường này với chiều dài khoảng 2km, thì đến được khu vực có những dấu hiệu đào bới, khai thác trái phép. Đó là tại chân của một số quả đồi sát với núi Lan Toong, bao quanh là những vùng đất lâm nghiệp trồng cây keo với đủ độ tuổi; có khu vực mới được khai thác chưa trồng mới.

Khu vực các đối tượng khai thác trái phép quặng đá. Ảnh: CTV
Quặng đá được dồn thành đống. Ảnh: NLTV
Đây cũng là những đống quặng đá được gom lại, chờ xe chuyển đi. Ảnh: NLTV

Phạm vi có dấu hiệu khai thác quặng đá trái phép có chiều dài khoảng 200m, ước lượng về diện tích đã có sự đào bới, khai thác rộng khoảng vài nghìn m2. Trên đó có một số đá quặng đã được đào bới, dồn thành đống ước lượng khoảng vài chục m3. Cũng tại đây, có một lán trại phủ bạt. Ở thời điểm giữa trưa ngày 14/7, trong lán không có người mà chỉ các vật dụng sinh hoạt, chăn màn, vài chiếc xe máy Honđa Win.

Lều trại được dựng trong khu vực khai thác trái phép. Ảnh: NLTV

Về loại quặng đá bị khai thác trái phép, có màu sắc không đồng nhất. Phần lớn có màu trắng, có một số hòn màu trắng pha vàng, xám và có ánh kim. Về kích thước, trọng lượng cũng không đồng đều, một số hòn tương đối lớn khoảng từ 0,1 - 0,3m3. Nhìn chung, có nhiều điểm tương đồng với loại quặng đá thạch anh bị khai thác trái phép ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương trước đây mà báo chí truyền thông đã phản ánh năm 2019.

Về giá trị của quặng đá thạch anh, theo một người am hiểu lĩnh vực này trao đổi: “Thạch anh là loại quặng có giá trị kinh tế rất cao. Đá trắng bình thường có 3 loại A, B, C, trừ chi phí vận chuyển, giá trị bình quân khoảng 200 nghìn đồng/tấn. Còn loại đá thạch anh có giá khoảng 2 triệu đồng/tấn, trừ chi phí vận chuyển cũng gấp 5 đến 6 lần đá trắng…”.

Kích thước, màu sắc của loại quặng đá không đồng nhất. Cơ bản có màu trắng pha vàng, xám. Ảnh: NLTV

Khu vực đất đai có tình trạng khai thác trái phép này do tổ chức hay hộ gia đình quản lý? Tìm hiểu thì được biết, đây là vùng đất lâm nghiệp Nhà nước đã giao quyền quản lý, sử dụng cho một hộ gia đình theo Nghị định 163/NĐ-CP. Hộ gia đình này trú tại bản Poòng, xã Châu Hồng. Về thời gian có tình trạng khai thác trái phép quặng đá đã diễn ra cách nay khoảng 4 tháng; quặng đá được vận chuyển ra bằng xe giàn có tải trọng lớn…

Buông lỏng quản lý nhà nước?

Trước những gì hiển hiện trên hiện trường, không thể không băn khoăn về vai trò quản lý nhà nước của các cấp, ngành, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Đặc biệt là với chính quyền xã Châu Hồng.

Nói như vậy là bởi, khu vực diễn ra tình trạng khai thác trái phép nằm trong vùng đất lâm nghiệp đã được Nhà nước giao cho người dân quản lý, trồng rừng; và vùng đất này, chỉ cách cụm dân cư bản Poòng và tuyến Quốc lộ 48C chỉ khoảng 2km.

Hơn nữa, việc cắt hạ, khai mở tuyến đường như đã nói trên là có quy mô lớn, phải diễn ra trong một thời gian dài; và để khai thác, vận chuyển quặng đá, các đối tượng liên quan sẽ phải sử dụng các phương tiện chuyên dụng cỡ lớn. Nếu chính quyền địa phương làm đúng với chức trách nhiệm vụ được giao, rất dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi khai thác trái phép khoáng sản.

Gần với khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép là một rừng keo của người dân mới được thu hoạch. Ảnh: NLTV

Cần nhớ, vào ngày 27/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành một chỉ thị riêng để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đó là Chỉ thị số 04/CT-UBND.

Lý do UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-CT là bởi tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra ở một số địa phương làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, hủy hoại môi trường, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội nói chung… Và một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng này đã được khẳng định là thuộc về chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) đã chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng.

Khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản chỉ cách cụm dân cư bản Poòng, xã Châu Hồng khoảng gần 2km. Ảnh: NLTV

Tại Chỉ thị số 04/CT-UBND, UBND tỉnh khẳng định sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, phân định rõ ràng trách nhiệm: “Địa bàn nào xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trong thời gian dài, hoặc tái diễn hoạt động khoáng sản trái phép, thì Chủ tịch UBND cấp dưới phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về các sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn”.

Bởi vậy, thiết nghĩ chính quyền huyện Quỳ Hợp cần khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại xã Châu Hồng; qua đó, nghiêm túc xem xét vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền xã này!