Nhiều vụ đuối nước thương tâm
Thời gian qua, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã phản ánh nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến trẻ em đuối nước. Cụ thể, vào hồi 17h ngày 1/2/2019, tại khu vực đập nước Khe Bò thuộc địa bàn xóm 4, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ), 2 chị em ruột là cháu Trần Thị T (7 tuổi) và cháu Trần Thị N (4 tuổi) cùng nhau xuống đập Khe Bò chơi. Không may, 2 cháu bị trượt chân, rơi xuống vùng nước sâu nên dẫn đến đuối nước.
Tiếp đó, 2 vụ đuối nước thương tâm cũng đã xảy ra trong cùng 1 ngày, trên cùng địa bàn xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) khiến 2 em học sinh tử vong. Nguyên nhân là do các em được nghỉ học nên rủ nhau ra sông Hiếu tắm, 1 em sụt xuống hố cát sâu 1 tiếng sau mới tìm thấy trong tình trạng đã tử vong, còn 1 em theo bạn đi câu không may trượt chân xuống đập.
" Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trên 10 vụ đuối nước ở trẻ em"
Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An
Hay như tin đã đưa, vào chiều 11/4, em Hồ Văn H (10 tuổi, học sinh Trường Tiểu học xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) cùng 3 bạn ra biển tắm. Sóng lớn đã cuốn trôi em H ra xa và mất tích. Sau 1 ngày đêm nỗ lực tìm kiếm, thi thể em H mới được tìm thấy.
Đừng để trẻ bơi “trên giấy”
Xét về nguyên nhân của các vụ đuối nước, ngoài thực tế, Nghệ An là địa phương có tuyến đường thủy nội địa lớn với 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000 km; có bờ biển dài 82 km với 6 cửa lạch nối ra biển. Hệ thống kênh, ao, hồ nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, đặc biệt đối với trẻ em thì còn xuất phát từ sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh.
Hiện nay, các bậc cha mẹ nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi do bận công việc nên chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Nguyên nhân khác là do nhiều em học sinh chưa được học bơi, chưa được trang bị kỹ năng xử lý khi xảy ra những tình huống xấu dưới nước...
Bởi vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho các em học sinh được xác định là một vấn đề lớn đối với gia đình, các cấp chính quyền và các ngành liên quan của địa phương. Nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn các huyện, thành, thị phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai nhiều cách làm hay trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Đơn cử tại Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn việc dạy bơi được thực hiện sau khi hoàn thành chương trình dạy học trên lớp mỗi ngày, mỗi buổi học chỉ tập trung khoảng 15 em để việc hướng dẫn được cụ thể, do vậy chỉ sau khoảng 4 - 5 tuần là các em học sinh có thể tự bơi được. Hay như trẻ em lớp mẫu giáo 5 tuổi ở bản Phà Lõm của đồng bào Mông xã Tam Hợp, huyện Tương Dương được các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Hợp và các cô giáo tổ chức dạy bơi cùng các kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.
Tuy nhiên, thực tế đó vẫn là những “mô hình điểm”, còn phần lớn những gì học sinh nhận thức được chủ yếu là lý thuyết, các em chỉ được học bơi trên... giấy. Vì hiện nay, phần lớn các trường thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng, cụ thể là thiếu bể bơi, chưa kể việc học các môn chính khóa chiếm hầu hết thời gian trong chương trình khiến những giờ học ngoại khóa chưa được quan tâm.
Ngoài ra, điểm mấu chốt được xác định trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước là làm sao đưa được thông tin đến tận các hộ gia đình, các khu dân cư, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân và trẻ em. Nhưng thực tế chương trình truyền thanh ở nhiều địa phương vẫn ít quan tâm đề cập đến nội dung này.
"Có những thời điểm qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy chương trình truyền thanh ở nhiều địa phương chưa dành thời lượng cho vấn đềphòng chống đuối nước một cách đầy đủ, thậm chí có nhiều nơi hầu như không đề cập đến".
Ông Phạm Viết Tỏa - chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng, thuộc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng tỏ ra lo lắng khi cho rằng, các vụ tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ hầu hết diễn ra ngoài trường học, vào ngày nghỉ, ngày lễ, đa phần trong quá trình các em làm việc giúp đỡ gia đình và vui chơi ở các điểm ao, hồ, sông, suối tại địa phương. Chưa kể, tới đây trong kỳ nghỉ hè kéo dài, các em học sinh đều do gia đình quản lý, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều bậc cha mẹ lao vào làm ăn, không có thời gian chăm sóc các con...
Thực tế những bất cập về giải pháp trong phòng, chống đuối nước là điều thấy rõ. Anh Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh đoàn đặc biệt quan tâm trong năm 2019 là: Triển khai chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước cho thanh, thiếu nhi trong suốt cả năm học chứ không đợi dịp hè mới tuyên truyền.
Ngoài việc đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, BTV Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức cắm biển cảnh báo đuối nước tại những nơi có sông, suối, vực sâu nguy hiểm, tiếp tục tổ chức các lớp dạy bơi, dạy các kỹ năng thoát hiểm, cấp cứu đuối nước... Đặc biệt, dịp hè, Tỉnh đoàn sẽ quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, thiết thực cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn dân cư, góp phần quản lý, giáo dục và giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra.