Bùn thải đi đâu?

Như Báo Nghệ An đã thông tin tại bài viết: “Vụ bùn thải “bức tử” hồ điều hòa: Lai lịch đáng ngờ của chiếc cống ngầm”, trong hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng hố thu gom xử lý bùn lắng đọng của Nhà máy nước Hưng Vĩnh không có cống xả thải đấu nối với hồ Cửa Nam (nay là hồ điều hòa Cửa Nam); chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An có Bản cam kết bảo vệ môi trường rất cụ thể, chi tiết nhưng có những nội dung không thực hiện. Mở rộng việc xác minh thông tin trong những ngày qua, xuất hiện thêm những vấn đề mới đáng băn khoăn.

Cồn bùn thải nổi trên hồ điều hòa Cửa Nam. Ảnh: Nhật Lân

Hồ điều hòa được Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Công ty CP Cấp nước Nghệ An đưa vào sử dụng năm 2013. Tại Bản cam kết môi trường, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An tính toán mỗi ngày Nhà máy nước Hưng Vĩnh sẽ thải ra 18m3 bùn, khoảng trên 6.000m3/năm; định kỳ 1,5 - 2 năm thì nạo vét, thu gom, vận chuyển đi xử lý.

Ở Mục VIII, Cam kết thực hiện của Bản cam kết bảo vệ môi trường (có xác nhận của UBND TP.Vinh), phần Bùn thải nêu rõ: “Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An định kỳ thu gom và vận chuyển về bãi tập kết rác thải xây dựng của thành phố tại xã Hưng Đông hoặc tại những nơi được sự cho phép của cấp thẩm quyền (UBND thành phố Vinh); tỷ lệ thu gom 100%”.

Giấy xác nhận đăng ký Bản cam kết Bảo vệ môi trường của UBND TP. Vinh cấp cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An

"Xí nghiệp Dịch vụ môi trường chưa bao giờ thực hiện hút bùn, vận chuyển, xử lý bùn thải cho Nhà máy nước Hưng Vĩnh".

Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ môi trường

Vậy nhưng xác minh tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An trước đây), lãnh đạo đơn vị này cho biết, chưa bao giờ có những giao dịch xử lý bùn thải cho Nhà máy nước Hưng Vĩnh. Cụ thể, ông Hoàng Văn Thắng - Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ môi trường (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An) cho biết, về mặt giao dịch thủ tục hợp đồng thì ông không rõ, nhưng khẳng định Xí nghiệp Dịch vụ môi trường chưa bao giờ thực hiện hút bùn, vận chuyển, xử lý bùn thải cho Nhà máy nước Hưng Vĩnh.

Còn với Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An - ông Phúc Văn Phượng, thì cho hay, đã yêu cầu Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Kinh doanh và Xí nghiệp Dịch vụ môi trường kiểm tra, nhưng trong những năm qua không giao dịch, thực hiện hợp đồng xử lý bùn thải với Nhà máy nước Hưng Vĩnh, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An, hay Công ty CP Cấp nước Nghệ An. Ông Phúc Văn Phượng nói: “Tôi làm Giám đốc công ty thời gian chưa lâu. Vì vậy, khi Báo Nghệ An đề nghị xác minh thì đã chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra, kể cả hỏi lãnh đạo cũ. Tuy nhiên, tất cả đều trả lời là không có…”.

Thực hiện lấy mẫu bùn để làm công tác giám định. Ảnh: N.L

Quá trình Báo Nghệ An chuyển tải các thông tin về vụ bùn thải “bức tử” hồ điều hòa, có một cán bộ cho biết, giai đoạn UBND TP.Vinh thực hiện nâng cấp, cải tạo hồ điều hòa Cửa Nam (năm 2015), Nhà máy nước Hưng Vĩnh liên tục xả bùn lắng từ các hố lắng ra hồ khiến đơn vị thi công rất bất bình. Vì vậy, họ đã phải có văn bản báo cáo, đề nghị UBND TP.Vinh xử lý vấn đề này.

Xác minh thông tin thì quả có sự việc này. Đơn vị thi công công trình hồ điều hòa Cửa Nam từng có văn bản báo cáo việc Nhà máy nước Hưng Vĩnh xả bùn lắng xuống vị trí đang thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc miền Trung. Báo cáo được công ty này thực hiện giai đoạn tháng 9/2015. 

Công ty CP Cấp nước Nghệ An tổ chức hút bùn thải khỏi hồ điều hòa trở lại hố lắng trong ngày 22/10. Ảnh: N.L

Chủ đầu tư Dự án nâng cấp và cải tạo hồ điều hòa Cửa Nam là Ban Quản lý Tiểu dự án PTĐT Vinh sau khi nhận được văn bản của đơn vị thi công đã mời đại diện lãnh đạo Nhà máy nước Hưng Vĩnh ra hiện trường kiểm tra, sau đó đề nghị chỉ xả nước thải, dừng việc xả bùn lắng để tạo điều kiện cho đơn vị thi công nạo vét bùn lòng hồ. Tuy nhiên, đến tháng 10/2015, Nhà máy nước Hưng Vĩnh vẫn tiếp tục xả bùn lắng. Vì vậy, Ban Quản lý Tiểu dự án PTĐT Vinh đã phải có văn bản báo cáo lên UBND TP. Vinh…

Cần làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Rõ ràng, việc điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo quy định là thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền. Nhưng qua hoạt động tác nghiệp báo chí, thấy rằng Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An trước đây, nay là Công ty CP Cấp nước Nghệ An, đã không chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, các quy định của tỉnh, của thành phố Vinh; đồng thời, không thực hiện đầy đủ những nội dung mà họ đã cam kết trong quá trình thực hiện và sử dụng Dự án đầu tư xây dựng hố thu gom xử lý bùn lắng đọng của Nhà máy nước Hưng Vĩnh. 

Bản cam kết bảo vệ môi trường của Công ty CP Cấp nước Nghệ An khi thực hiện Dự án hệ thống hồ thu gom xử lý bùn lắng.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, quá trình sản xuất kinh doanh thường có những ảnh hưởng không tốt cho môi trường.

Để được hoạt động, các đơn vị, doanh nghiệp này đều phải có những cam kết bảo vệ môi trường. Dù vậy, đã từng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp không tuân thủ thực hiện đầy đủ, đã bị xử phạt. Tuy nhiên, đó hầu hết là những đơn vị, doanh nghiệp đứng chân tại các vùng sâu, vùng núi cao, cách xa khu vực dân cư, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Còn với Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Công ty CP Cấp nước Nghệ An, đứng chân ngay tại trung tâm thành phố Vinh. Nên việc để bùn thải tràn vào hồ điều hòa Cửa Nam là công trình mà tỉnh Nghệ An và  thành phố Vinh phải vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng tạo cảnh quan đô thị, điều hòa khí hậu, môi trường, tiêu thoát nước… là không thể chấp nhận được.

Tình trạng ô nhiễm nước, cá chết đã xảy ra. Ảnh: N.L


Liên quan đến vụ việc này, cũng phải thấy rằng chính quyền các cấp, ở đây là UBND TP. Vinh và UBND hai phường Cửa Nam và Đông Vĩnh chưa thể hiện rõ được vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Sở dĩ nói điều này bởi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì đây là hai cấp chính quyền có trách nhiệm giám sát các hoạt động xả thải ra môi trường của Nhà máy nước Hưng Vĩnh trong quá trình đơn vị này sản xuất nước sạch.

Vậy nhưng đã để xảy ra tình trạng doanh nghiệp xây dựng Hố thu gom xử lý bùn lắng không tuân thủ thiết kế quy hoạch; khi Hố thu gom xử lý bùn lắng được đưa vào sử dụng nhưng doanh nghiệp vẫn xả bùn thải ra môi trường mà không kịp thời kiểm tra nhắc nhở, xử lý. Chính công tác quản lý, giám sát còn chưa được tốt, mới dẫn đến vụ việc xả bùn thải vào hồ điều hòa Cửa Nam ngày 21/10/2019.

Chiếc cống ngầm xả bùn thải vào hồ điều hòa. Ảnh: N.L

Với vụ việc bùn thải của Nhà máy nước Hưng Vĩnh tràn ra hồ điều hòa Cửa Nam, có một điểm sáng cần ghi nhận. Đó là vai trò của người dân ở hai phường Cửa Nam và Đông Vĩnh. Vì ngay sau khi phát hiện, người dân ý thức được những tác động xấu của lượng bùn thải lớn có thể xảy đến với môi trường, để từ đó kịp thời thông tin cho chính quyền cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra xử lý.

Dõi theo vụ việc chúng tôi được biết các mẫu bùn thải hiện đã được đưa đi phân tích, kiểm định; các cơ quan chức năng có liên quan đang tiếp tục thực hiện công tác điều tra, xác minh. Hiện nay, người dân đang mong ngóng kết quả xử lý, nhưng đây là những việc mà các cơ quan chức năng cần thiết phải thực hiện, để từ đó, đưa ra được những căn cứ đảm bảo tính pháp lý giúp cấp thẩm quyền đủ xử lý theo quy định của pháp luật. 

Chỉ nói thêm rằng, dù bùn lắng của Công ty CP Cấp nước Nghệ An thải ra hồ điều hòa qua công tác giám định có kết quả ra sao đi nữa thì với hành vi như vậy, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là rất kém, cần phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm. 

PV Báo Nghệ An cùng cán bộ trật tự đô thị phường Cửa Nam đo độ sâu của chiếc cống ngầm xả bùn thải. Ảnh: Hà Giang